Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ trong thu hút, sử dụng đội ngũ trí thức tại vùng Tây Nguyên

Ngày phát hành: 12/12/2022 Lượt xem 608


 

1. Đặt vấn đề

Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa X ngày 06/8/2008 đã ban hành Nghị quyếtsố 27 –NQ/TW về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”(sau đây gọi tắt là Nghị quyết 27).Với Nghị quyết này, Trung ươngđã đề ra quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 27 đã được các bộ ngành, địa phương vận dụng triển khai và đã đạt được thành tựu nhất định.

 

Vai trò của trí thức ngày càng được khẳng định, cho dù trí thức vẫn là một khái niệm gây nhiều tranh cãi trong đời sống lẫn trong sinh hoạt học thuật. Tại Nghị quyết 27, Trung ương Đảng xác định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Theo quan điểm này, bài viết nhìn nhận trí thức chủ yếu là cá nhân được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, làm việc trong các cơ quan nhà nước theo những vị trí việc làm của viên chức, công chức, gắn với chức vụ lãnh đạo, quản lí hoặc thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ nhất định như: nghiên cứu, giảng dạy...Đây là những đối tượng trực tiếp chịu tác động từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức.

 

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, đặc biệt tại Nghị quyết 27, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên luôn xác định phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng địa phương. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu nhất định về phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức tại vùng Tây Nguyên. Đội ngũ trí thức đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo,…và có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của các tỉnh Tây Nguyên.

 

Trước năm 1975, dân cư vùng Tây Nguyên chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuyệt đại người dân mù chữ hoặc trình độ học vẫn chưa hết phổ thông. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng công tác thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho vùng. Tuy nhiên, cho đến nay, Tây Nguyên vẫn là địa bàn có các chỉ số liên quan đến giáo dục thấp nhất cả nước. Là địa bàn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, cách xa các trung tâm kinh tế - giáo dục – khoa học của đất nước, Tây Nguyên thiếu các lợi thế so sánh (cơ hội việc làm, thu nhập, phát triển chuyên môn sâu…) trong thu hút, sử dụng và giữ chân đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số ngành, một số vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Đây là những hạn chế chưa tháo gỡ được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của các tỉnh Tây Nguyên. Bài viết chỉ ra những hạn chế, điểm nghẽn trong thu hút, sử dụng trí thức theo tinh thần Nghị quyết 27 tại các tỉnh Tây Nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn này.

 

 

2. Điểm nghẽn trong thu hút, sử dụng và giữ chân trí thức tại các tỉnh Tây Nguyên qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW

          2.1. Điểm nghẽn trong cơ chế chính sách thu hút, trọng dụng và giữ chân lực lượng trí thức tại Tây Nguyên

* Khó khăn trong thu hút nguồn trí thức công tác tại Tây Nguyên.

Về cơ bản, các tỉnh Tây Nguyên đã vận dụng các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển trí thức, tận dụng các điều kiện, nguồn lực thực tế của địa phương để thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách vẫn nằm trong khung khổ chính sách chung của cả nước, chưa xây dựng những chính sách, cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương, có sức hấp dẫn cao để thu hút và giữ chân lực lượng trí thức.

 

Điều ghi nhận trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, các địa phương vùng Tây Nguyên đã vận dụng chính sách chung và có một số quy định cụ thể đối với những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, cho phép được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, những ưu đãi trong thu hút, tuyển dụng trí thức hiện tại gần như không có sức hấp dẫn, các địa phương gần như không có cơ chế thu hút “trải thảm đỏ” trong tuyển dụng nhân tài. Đối với địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hôi, việc đáp ứng các yêu cầu bình thường đã khó khăn, việc tuyển dụng trí thức có chất lượng cao về bằng cấp, học hàm, học vị lại càng khó khăn. Mức độ tự chủ của các đơn vị trong tuyển dụng nhân sự vẫn còn hạn chế khiến các địa phương vùng Tây Nguyên khó khăn trong cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao với các địa phương khác

 

Việc tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; khuyến khích, tạo điều kiện cho trí thức tham gia các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, các hoạt động sáng kiến mới chỉ được 02 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng và Đắk Lắk coi là điểm nhấn để phát huy, bồi dưỡng và tạo động lực phát triển đội ngũ trí thức.

 

Số lượng trí thức được thu hút chủ yếu phục vụ công tác các thành phố, vùng đô thị của các tỉnh Tây Nguyên. Tại các địa bàn vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, do hạn chế về điều kiện giao thông, hạ tầng kinh tế và nên trí thức chủ yếu có nguồn gốc là người địa phương với số lượng và trình độ hạn chế. Rất khó để có thể thu hút nguồn trí thức chất lượng cao từ nơi khác đến công tác tại các địa bàn này.

 

Phần lớn trí thức tại Tây Nguyên là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Tại cấp cơ sở nguồn trí thức không có nhiều cơ hội để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sâu, nên số lượng cán bộ công chức cấp cơ sở phần nhiều tốt nghiệp Đại học và cao đẳng, trung cấp. Số lượng trí thức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao, y tế tại các tỉnh Tây Nguyên rất hạn chế. Hạn chế về số lượng cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và y tế là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác thu hút nguồn trí thức chất lượng cao công tác trong lĩnh vực này. Các nhà nghiên cứu, giảng viên, y bác sỹ tại các tỉnh Tây Nguyên hầu như không được hưởng thêm đãi ngộ đặc biệt so với các đồng nghiệp công tác tại các trung tâm lớn của đất nước. Trong khi đây là những lĩnh vực đòi hỏi đội ngũ trí thức phải thường xuyên kết nối, tự đào tạo hoặc tham gia các chương trình đào tạo.

 

* Công tác thu hút trí thức còn thiếu bền vững.

Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường làm việc các tỉnh Tây Nguyên chưa đáp ứng được so với nhu cầu của lực lượng tri thức trình độ cao. Các cơ hội về thu nhập và việc làm còn hạn chế còn dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, di cư lao động có chất lượng, trình độ cao ra ngoài vùng, đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội hậu COVID-19. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên chưa phát huy hết khả năng của những người có trình độ cao, dễ thu hút song lại khó “giữ chân”, vì thế còn hiện tượng “thu hút chưa đúng đối tượng”, hay “chảy máu chất xám”.

 

Không ít trí thức sau khi được đào tạo, từng được bố trí công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có những người trình độ chuyên môn Tiến sĩ đã chuyển công tác sang tỉnh khác, vùng khác như Đà Nẵng, Đông Nam Bộ….  khi có cơ hội. Đầu năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã có 2 Phó Giáo sư xin chuyển công tác. Những người có trình độ cao như bác sĩ tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…, ít người lựa chọn Tây Nguyên làm điểm đến để lập thân, lập nghiệp, thậm chí sau một thời gian công tác, họ đã xin chuyển công tác. Trong 3 năm 2017-2019, tại tỉnh Gia Lai, có 61 bác sĩ đồng loạt gửi đơn xin nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Gia Lai tiếp tục có 23 trường hợp cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ. Nguyên nhân bác sĩ, cán bộ y tế xin nghỉ việc chủ yếu là do áp lực công việc cao, trong khi đó chế độ đãi ngộ thấp.

 

Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác ở địa phương, qua 03 đợt thực hiện, tỉnh Gia Lai đã tuyển chọn được 141 sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí công tác ở các xã vùng II, vùng III của 15 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh (chủ yếu thuộc các ngành nông nghiệp, hành chính, kinh tế - tài chính, địa chính...). Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, số xin thôi tham gia Đề án là lên tới 35 người, chiếm 24,8%[1].

 

Tại Đắk Nông, thực hiện Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 -2020 đã thu hút được 33 bác sĩ, trong quá trình tiếp nhận thụ hưởng chính sách, do nhiều nguyên nhân có 4 bác sĩ xin thôi việc và đã được giải quyết.

 

Nhìn chung, việc thu hút trí thức lên Tây Nguyên đã khó, việc giữ chân họ còn khó hơn. Hệ quả là trí thức được nuôi dưỡng, trưởng thành ở miền núi nhưng chất xám lại chảy về miền xuôi, từ đó tạo ra sự hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không kịp thời khắc phục, nơi đây trở thành điểm “tạm trú” của trí thức và hệ quả lâu dài là Tây Nguyên từ “vùng đất hứa” trong thế kỷ XX sẽ trở thành vùng đất cằn cỗi, thiếu vắng trí thức, nhân tài trong thế kỷ XXI.

 

* Chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng trí thức còn thiếu minh bạch, công khai, dân chủ và bình đẳng, nhất là chính sách tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ. Một số cơ quan, địa phương thiếu tiêu chuẩn cụ thể trong tuyển dụng, quyền tự quyết tự chủ trong công tác cán bộ của đơn vị tuyển dụng và sử dụng chưa cao. Vì vậy, không ít trí thức có năng lực, trình độ nhưng không được tuyển dụng, trọng dụng. Tâm lý trọng bằng cấp, học để chuẩn hóa và tìm kiếm cơ hội thăng tiến còn phổ biến. Một bộ phận không nhỉ cán bộ chưa chú trọng vào thực học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm phục vụ công tác. Trong khi đó, có người hạn chế về phẩm chất, năng lực nhưng được sắp xếp, bố trí giữ các chức vụ quan trọng, dẫn tới những tâm tư, bức xúc và chán nản trong một bộ phận trí thức.

 

Kết quả điều tra xã hội học năm 2017 tiến hành tại các tỉnh Tây Nguyên cho rằng: 14,9% trí thức chưa được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của mình[2]. Đây là con số không lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đang thiếu việc làm, sẵn sàng làm việc “bất chấp” chuyên môn, chuyên ngành, nhưng nếu so với số lượng trí thức ở Tây Nguyên thì cũng không phải là nhỏ. Việc bố trí, sử dụng không đúng ngành, nghề đào tạo gây ra tình trạng lãng phí chất xám ngay trong các cơ quan, đơn vị - nơi mà các trí thức cần phải làm đúng chuyên môn, vì đây chính là các cơ quan lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách.

 

Một số tỉnh đã thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý như bí thư cấp huyện, cán bộ cấp cơ sở, đơn cử Đắk Lắk[3], Lâm Đồng[4], tuy nhiên chỉ là mang tính thử nghiệm nhiều hơn và chỉ tập trung vào một số địa phương được coi là khó khăn về kinh tế- xã hội, cần có sự phát triển đột phá. Nguồn nhân lực tham gia thi tuyển trên thực tế cũng là nguồn nhân lực công tác lâu năm tại vùng Tây Nguyên.

 

* Chưa có cơ chế thoả đáng để vinh danh, tôn vinh những đóng góp xứng đáng của đội ngũ trí thức.

Các chính sách về trọng dụng trí thức mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, thu hút nguồn nhân lực; đối với công tác tôn vinh trí thức có tài năng, cống hiến xuất sắc và động viên trí thức yên tâm cống hiến trí tuệ, năng lực đã có nhưng chưa thật sự được các địa phương đặt làm nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra việc rà soát đội ngũ trí thức để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu thiết yếu (công nghệ sinh học, y tế, công nghệ chế biến) chưa đi vào thực chất.

 

Chế độ tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ chưa khuyến khích sự hăng say lao động, cống hiến của trí thức. Cơ chế, chính sách tạo điều kiện và động lực cho trí thức tự phấn đấu học tập nâng cao trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Cũng theo kết quả khảo sát của tác giả Lương Hữu Nam (2017), chỉ có 112 chiếm 27,2% trí thức yên tâm công tác với mức thu nhập hiện có, còn lại 72,8% trí thức chưa yên tâm công tác mới mức thu nhập hiện có và vẫn phải làm thêm các việc khác để có đảm bảo mức sống của cá nhân cùng gia đình[5]. Khi chưa yên tâm công tác, trí thức sẽ khó có thể tập trung vào công việc đang đảm nhiệm, khó khơi dậy niềm đam mê khám phá, sáng tạo của mình và nếu không được giải quyết, về lâu dài sẽ đánh mất ý chí, năng lực sáng tạo của trí thức.

 

Đắk Lắk là tỉnh tập trung nhiều cơ sở đào tạo sau Đại học, Viện nghiên cứu nhất vùng Tây Nguyên nên có số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư cao nhất khu vực với 28 người (trong đó có 3 người có học hàm Giáo sư). Tuy nhiên, cơ hội thu nhập của những trí thức chất lượng cao này không thể so sánh với các tỉnh khác ở miền Trung, hay miền Đông Nam Bộ.

Một điều đáng quan tâm về phương diện chính sách là, thực tế hiện nay ở các tỉnh, chính sách ưu đãi, thu hút hiện nay vẫn tập trung vào yếu tố vật chất như tiền, đất, nhà mà chưa quan tâm đầy đủ đến việc đổi mới, hoàn thiện môi trường công tác và cống hiến, vốn những điều hấp dẫn trí thức, yếu tố quan trọng trong thu hút trí thức.

 

 

2.2.Điểm nghẽn về nguồn lực cho thu hút và sử dụng trí thức

 

So với các vùng khác, các tỉnh Tây Nguyên hiện vẫn là các tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Số liệu năm 2018, GDRP của các tỉnh Tây Nguyên chiếm 4,6% quốc gia, tính theo đầu người 34,75 triệu đồng/năm, tăng trưởng kinh tế 7,87%, chỉ nhỉnh hơn các tỉnh Trung Du và Miền núi phía Bắc, thu ngân sách thấp nhất các vùng toàn quốc (4,61%), kim ngạch xuất khẩu, chiếm 1,27 % [6]. Nguồn thu hạn chế, ngân sách vẫn trông chờ vào Trung ương cho các đầu tư lớn, trong khi nguồn đầu tư bị phân xẻ, do vậy, việc đầu tư cho nâng cấp trường học, hệ thống y tế còn kém, cho giáo dục - đào tạo còn chưa được đúng mức, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin còn hạn chế. Nguồn lực dành cho đãi ngộ và trọng dụng lực lượng trí thức lại càng khó khăn.

 

Các tỉnh Tây nguyên cơ bản sử dụng trí thức theo các quy định chung và yêu cầu của nhiệm vụ, công việc và chế độ chính sách chung của nhà nước. Ngoài ra, các địa phương gần như không có các ưu đãi về lương, hỗ trợ về điều kiện sinh hoạt (ở, đi lại…) trí thức làm việc ở vùng sâu xa khó khăn.

Ngay cả tỉnh Đắk Lắk, vị thế thủ phủ vùng đã được xác lập từ lâu trong nhận thức, tuy nhiên, thực tế, Đắk Lắk vẫn còn có nhiều khó khăn về nguồn lựctrong giáo dục- đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện đã có một số đơn vị đào tạo đóng tại Buôn Ma Thuột, song chưa có các cơ sở đào tạo đại học xứng tầm có lợi thế so sánh về chất lượng đào tạo, chưa có bệnh viện quy mô và được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, chưa xây dựng được các trung tâm công nghệ cao. Với vị thế “đô thị trung tâm vùng”, Thành phố Buôn Ma Thuột cũng chưa tạo ra được một lực hút hấp dẫn với trí thức các tỉnh khác trong vùng về công tác, chưa nói đến trí thức ở các vùng miền khác. Cái khó của việc thu hút nguồn lực là phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư của các địa phương, trong khi đó yếu tố nhạy cảm về địa chính trị, yếu tố an ninh quốc phòng của vùng, việc thu hút các nguồn lực ODA, FDI lại khó khăn.

 

3. Một số đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn

 

Từ những hạn chế và nguyên nhân hạn chế, có thể thấy, điểm nghẽn và cũng là rào cản lớn đối với Tây Nguyên trong thu hút và sử dụng trí thức theo tinh thần Nghị quyết 27là: 1) điểm nghẽn về cơ chế chính sách và2) điểm nghẽn về nguồn lực cho thu hút và sử dụng trí thức.

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 tại các tỉnh vùng Tây Nguyên, có nhiều việc cần phải thúc đẩy, tháo gỡ, tác giả bài viết cho rằng, cần phải thực hiện một số điểm sau đây:

 

(1) Về mặt nhận thức chung, tiếp tục coi trọng vai trò của trí thức trong liên minh công nông trí thức. Đặc biệt, trong bối cảnh mới xây dựng nền kinh tế tri thức, kinh tế số hội nhập, thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đối với sản xuất và đời sống, bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ hiện nay; chỉ có thể tận dụng trí tuệ, chất xám, phát huy ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu nước của người trí thức mới có cơ hội thúc đẩy, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong điều kiện các nguồn lực vật chất còn hạn chế, nguồn lực trí tuệ phải trở thành nhân tố dẫn dắt sự phát triển.

 

(2) Cần thiết nghiên cứu ban hành một nghị quyết mới trong bối cảnh mới, trong đó xác lập được cơ chế vừa thống nhất, đồng bộ, vừa cho chủ trương cơ chế đặc thù, tự chủ đối với từng vùng cụ thể. Trên cơ sở đó, các vùng, địa phương tính toán bài toán nguồn lực của địa phương mình, chủ động trong thu hút và sử dụng nhân tài, nhân lực, tiếp tục tạo ra nền tảng chính trị pháp lý vững chắc. Xem xét xây dựng một cơ chế đối với trí thức, nhân lực chất lượng cao từ các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tại các trung tâm đô thị về/đến công tác phục vụ tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong một thời hạn nhất định. Thông qua việc thực hiện cơ chế đó, một mặt, giúp tạo môi trường phát triển toàn diện cho trí thức, mặt khác, sẽ có lợi cho các địa phương trong việc tận dụng các nguồn lực trí tuệ bên ngoài tham gia vào sự phát triển địa phương mình.

 

(3).Với các tỉnh Tây Nguyên, tiếp tục tổng kết, nghiên cứu các chủ trương, giải pháp đã thực hiện đối với phát triển trí thức; trên cơ sở đó có những chiến lược phát triển trí thức xứng tầm, xây dựng được các chương trình đề án hiệu quả hơn về phát triển trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có quyết tâm cao trong cụ thể hóa, hiện thực hóa các chương trình, đề án tại địa phương mình.

 

Điều thiết yếu để thu hút được trí thức có trình độ cao về công tác, các tỉnh Tây Nguyên phải tạo ra được cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị thuận lợi, tạo ra những thành phố có sức hút về dịch vụ, có trường lớp và bệnh viện có chất lượng, đáng sống. Tuyển dụng và sử dụng trí thức phải nỗ lực đảm bảo trí thức sống với nghề, yên tâm công tác. Đặc thù của người trí thức là lao động chất xám trí tuệ, không thể yên tâm cống hiến nếu cuộc sống chưa đảm bảo. Thực tế, nhiều trí thức vẫn phải lấy ngắn nuôi dài, cuộc sống có nhiều khó khăn. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thị trường đặt ra nhiều tương quan so sánh về lợi ích kinh tế.

 

Trước mặt, nếu chưa tạo ra được cơ hội về thu nhập ưu trội thì các địa phương phải tính đến đảm bảo các điều kiện ban đầu về chỗ ở, các gói vay hỗ trợ học tập, đào tạo…Mạnh dạn “trải thảm đỏ” với trí thức thành danh, những trí thức đã ở tuổi hưu trí có quan tâm tới vùng, có mong muốn đóng góp và các trí thức trẻ tâm huyết đến với Tây Nguyên. Phải đồng thời thực hiện giải pháp “thu hút” và “thúc đẩy” bằng cơ chế đặc thù gắn với chế độ ưu đãi phù hợp, tạo ra những đột phá trong tuyển dụng trí thức, làm cho trí thức muốn đến/trở về yên tâm công tác tại địa phương.

 

Bên cạnh tạo ra các điều kiện, không gian thuận lợi cho trí thức đảm bảo các điều kiện sinh hoạt vật chất, công tác, cần thiết phải chú trọng đến các lợi ích tinh thần đối với trí thức; chú trọng các ý kiến tham vấn, phản biện, tiếng nói xây dựng của trí thức trước các vấn đề phát triển và cuộc sống ở địa phương. Thái độ, hành động ứng xử với trí thức, với khoa học công nghệ, với giáo dục đào tạo, văn học - nghệ thuật luôn có ý nghĩa trong việc động viên trí thức chung tay, nỗ lực vượt qua khó khăn, có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào phát triển kinh tế- xã hội.

 

4. Kết luận

Nhìn chung, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 5 năm gần đây (2018-2022), các tỉnh vẫn tiếp tục triển khai các chương trình đề án đã đề ra trong giai đoạn 10 năm trước đó. Đội ngũ trí thức Tây Nguyên đã có bước phát triển về chất và lượng, nhưng xét trên tổng thể Tây Nguyên vẫn là vùng trũng về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự phân bố trí thức giữa các ngành, giữa các thành phần kinh tế, giữa các tỉnh không đồng đều, năng lực của đội ngũ trí thức còn hạn chế cần khắc phục. Nhiều nội dung của Nghị quyết 27 đã không thực hiện được hoặc thực hiện ở mức độ thấp, thiếu đồng bộ, ít đột phá trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức; đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt là một bất cập lớn hiện nay.

 

Vấn đề lớn nhất từ thực tiễn Tây Nguyên hiện nay vẫn là những rào cản về cơ chế, chính sách và các nguồn lực dành cho đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức. Đó là bài toán cần phải được tính toán và đề xuất Trung ương cơ chế giải quyết phù hợp.

Vấn đề bao trùm, có ý nghĩa nền tảng để các tỉnh Tây Nguyên hiện nay thực hiện phát triển trí thức là phải giải quyết được bài toán thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra được những đột phá về cơ sở hạ tầng, về vị trí việc làm, về điều kiện đãi ngộ, tôn vinh trí thức, từ đó có lực hấp dẫn đối với trí thức là các con em địa phương và trí thức từ các vùng miền khác đến sinh sống và làm việc tại các địa phương vùng Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Duy Thụy

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng

Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo Nhân dân (2020), “Hiệu quả từ chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở Đắk Nông”. https://nhandan.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-thu-hut-nguon-nhan-luc-y-te-chat-luong-cao-o-dak-nong-post625998.html.Truycập ngày 10/12/2015.
  2. Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Tình (2018), “Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức ở Gia Lai”, Tạp chí Lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2615-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-chinh-sach-thu-hut-dai-ngo-va-su-dung-doi-ngu-tri-thuc-o-gia-lai.html.Truy cập ngày 20/9/2022.
  3. Vũ Thị Thùy Dung (2020), “Chất lượng nguồn nhân lực ở Lâm Đồng và những vấn đề đặt ra hiện nay”, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 36, No. 1 (19-27).
  4. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai (2022), Dự thảo Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Gia Lai.
  5. Lương Hữu Nam (2017), Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án Tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
  6. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Báo cáo số 304-BC/TU ngày 28/9/2018, Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Lâm Đồng.
  7. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Báo cáo số 05-BC/TU ngày 3/11/2020, Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025,Lâm Đồng.
  8. Tỉnh ủy Đắk Lắk (2020), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Lắk.
  9. Tỉnh ủy Đắk Lắk (2022), Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đắk Lắk
  10. Tỉnh ủy Gia Lai, Báo cáo số 128-BC/TU ngày 20/02/2017,về tổng kết Đề án số 02-ĐA/TU ngày 17/4/2009 “về đối mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015”, Gia Lai
  11. Tỉnh ủy Gia Lai (2017), Báo cáo tổng kết Thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII “về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”,Gia Lai
  12. Tỉnh ủy Gia Lai, Báo cáo số 267-BC/TU ngày 17-5-2018,về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Gia Lai
  13. Tỉnh ủy Gia Lai (2020), Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025, Gia Lai.
  14. Tỉnh ủy Kon Tum, Báo cáo số 03-BC/TU ngày 30/9/2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kon Tum.
  15. Tỉnh ủy Kon Tum, Công văn số 1277-CV/BTGTU ngày 9/9/2022,về việc trình dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X), Kon Tum.
  16. Tỉnh ủy Đắk Nông (2020), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khóa XI trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, Đắk Nông.
  17. Chính sách thu hút nhân tài trong khu vực công của tỉnh Đắk Lắk – thực trạng và giải pháp. https://daklak.gov.vn. Truy cập ngày 20/9/2022.
  18. https://baotintuc.vn/thoi-su/dak-lak-thi-diem-tuyen-chon-bi-thu-huyen-uy-va-thi-tuyen-lanh-dao-cap-so-20200223083845232.htm
  19. https://tcnn.vn/news/detail/39749/Lam_Dong_thi_tuyen_chuc_danh_lanh_dao_cap_soall.html
  20. https://susta.vn/bai-viet-Xep-hng-phat-trien-kinh-te-cua-cac-vung-cac-tinh-1723.html

 

 

 

 

 



[1]Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Tình (2018), “Một số vấn đề đặt ra đối với chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức ở Gia Lai”, Tạp chí Lý luận chính trị. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2615-mot-so-van-de-dat-ra-doi-voi-chinh-sach-thu-hut-dai-ngo-va-su-dung-doi-ngu-tri-thuc-o-gia-lai.html. Truy cập ngày 20/9/2022

[2]Lương Hữu Nam (2017), Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án Tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội

[4] https://tcnn.vn/news/detail/39749/Lam_Dong_thi_tuyen_chuc_danh_lanh_dao_cap_soall.html

[5] Lương Hữu Nam (2017), tlđd, tr.111-112.

[6] https://susta.vn/bai-viet-Xep-hng-phat-trien-kinh-te-cua-cac-vung-cac-tinh-1723.html

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết