Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng

Ngày phát hành: 07/12/2024 Lượt xem 413

 

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những bước ngoặt của cách mạng, QĐND Việt Nam luôn luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. QĐND Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là một đội quân văn hóa, là hình mẫu của quân đội cách mạng.

 

* Những dấu mốc và thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

 

 
Ngay từ những ngày đầu thành lập, với 34 chiến sĩ, trang bị, vũ khí tuy còn rất thô sơ, nhưng Đội đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu” và cũng mở đầu truyền thống “bách chiến bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Cùng Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 

 
Ngay từ khi ra đời (ngày 3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông” (1) để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng.


Trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập, như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)…


Ngày 22/12/1944, tại tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ gồm 34 chiến sĩ. Sau này, ngày 22/12/1944 đã được lấy làm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.


Về bản chất của QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "quân đội ta là QĐND. Nghĩa là con em ruột thịt của Nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của Nhân dân. Ngoài lợi ích của Nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác" (2). Có thể thấy, “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” chính là bản chất của quân đội cách mạng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh.


Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, QĐND đã cùng toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 

- Làm nên Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Quân đội vừa chiến đấu, vừa kiến quốc, xây dựng lực lượng. Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với “chí thép, lòng son”, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; đánh thắng nhiều chiến dịch lớn, như: Việt Bắc Thu-Đông (năm 1947), Biên Giới (năm 1950), Hòa Bình (năm 1951), Tây Bắc (năm 1952), Thượng Lào (năm 1953), mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), làm hậu phương vững chắc để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.


Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là QĐND Việt Nam. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.


Trong chiến dịch Việt Bắc 1947, chỉ trong vòng 2 tháng, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước


Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Đến giữa năm 1949, quân đội ta bắt đầu thành lập các đại đoàn chủ lực (Đại đoàn 308, Đại đoàn 304), từ đó tăng cường sức mạnh và tổ chức chiến đấu quy mô lớn.


Trong Chiến dịch Biên giới 1950, với việc tiêu diệt hơn 8.000 quân Pháp, giải phóng vùng biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn, QĐND Việt Nam đã mở ra một bước ngoặt quan trọng, phá vỡ thế bao vây của địch, tạo đà cho những chiến thắng tiếp theo. Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, địch chuyển dần sang chiến lược phòng ngự. Sau Chiến dịch Biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập: Đại đoàn 312, Đại đoàn 320, Đại đoàn 351, Đại đoàn 316.
Trong các chiến dịch tiếp theo, như: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc… quân ta đã tiêu diệt hàng vạn tên địch. Bộ đội ta tiếp tục tiến bộ về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày, về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân.


Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 - 7/5/1954), quân đội ta đã giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.


Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu (1944-1954).

 

 - Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

 
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phải đương đầu với đội quân cường bạo nhất thế giới; song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội đã cùng toàn dân vừa tích cực xây dựng CNXH, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, vừa dũng cảm, sáng tạo chiến đấu và chiến thắng trên chiến trường miền Nam, từ các chiến thắng như: Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, những chiến dịch: Mậu Thân 1968, Đường 9-Nam Lào, “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.


Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3/1957, Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) ra Nghị quyết về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, Nghị quyết chỉ rõ: “Phương châm xây dựng quân đội của chúng ta là tích cực xây dựng một QĐND hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hoá và hiện đại hoá”. (3)


Đến năm 1960, quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.


Trong thời gian này, đáp lại sự tăng cường chiến tranh của đế quốc Mỹ, quân đội ta đã xây dựng một hệ thống tiếp viện và chi viện vững chắc qua tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và đường Hồ Chí Minh trên biển. Để đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của QĐND Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.


Mặc dù phải đương đầu với một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh vào loại bậc nhất thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã lần lượt đánh thắng các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”; “Chiến tranh cục bộ”; “Việt Nam hóa chiến tranh”; đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội và hậu phương lớn miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).


Tuy nhiên, ngụy quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Để sớm kết thúc chiến tranh, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn chủ lực: Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, qua đó đánh dấu bước phát triển mới của QĐND Việt Nam.
Trong hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh được xem là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam sau 30 năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

* Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước

 
Sau ngày đất nước thống nhất, quân đội ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng; xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh; anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt. Các thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.


Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, QĐND Việt Nam cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.


Thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, QĐND Việt Nam luôn chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả cho Đảng và Nhà nước, xử lý linh hoạt các tình huống chiến lược, đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền và ổn định đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong công tác huấn luyện, quân đội bám sát phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc,” nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó với các tình huống mới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và phối hợp bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Công tác xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, hội nhập quốc tế và tham gia gìn giữ hòa bình đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.


QĐND Việt Nam cũng thực hiện xuất sắc chức năng đội quân công tác, góp phần quan trọng trong công tác dân vận, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước. Quân đội còn hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng xung kích, không ngại gian khổ, hy sinh trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân. Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” có mặt ở những nơi khó khăn nhất đã ngời sáng thêm phẩm chất cao quý, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.


Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất, quân đội đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng và phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa bàn chiến lược, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Các doanh nghiệp quân đội được tổ chức, sắp xếp phù hợp với yêu cầu đổi mới qua từng thời kỳ, vừa phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Các đơn vị đã tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc dân, bảo đảm an sinh xã hội…

 

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang, khẳng định những đóng góp to lớn của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, QĐND Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc và đạt được những chiến công lẫy lừng, xứng đáng là trụ cột bảo vệ đất nước. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, QĐND Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong hệ thống quốc phòng quốc gia, đảm bảo sự ổn định để đất nước phát triển bền vững. Bên cạnh sứ mệnh bảo vệ chủ quyền, quân đội còn không ngừng mở rộng vai trò của mình trong các hoạt động dân vận, phát triển kinh tế và tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế vì hòa bình và ổn định khu vực.


Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” với những phẩm chất cao đẹp như kỷ luật, trung thành, kiên cường và gắn bó với Nhân dân vẫn mãi mãi in đậm trong lòng người dân Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần, thôi thúc các thế hệ quân nhân tiếp nối truyền thống, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần xây dựng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững./.

 

Minh Duyên 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 4.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 334
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Sđd, tr. 287.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết