Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bàn về hệ thống giáo dục đại học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày phát hành: 12/06/2019 Lượt xem 4022

MỞ ĐẦU

Trước hết tôi muốn xuất phát từ định nghĩa Industry 4.0 của Wikipedia, theo đó công nghiệp 4.0 (I4.0) là tên được đặt cho xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu hiện nay trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống vật lý mạng (cyber physical systems - CPS), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và điện toán nhận thức (Cognitive Computing). Có lẽ đây là định nghĩa dễ chấp nhận nhất bởi vì nó là cái gì đó cụ thể, nắm bắt được. Những người lãng mạn đã mở rộng tầm bao quát của I4.0 ra khỏi các quy trình công nghệ trong nhà máy sang tới lĩnh vực xã hội và nâng tầm thành một cuộc cách mạng 4.0. Hãy nghe Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới nói gì: “Chúng ta đứng trên bờ vực của một cuộc cách mạng mà về cơ bản sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Trong quy mô, phạm vi và sự phức tạp của nó, sự biến đổi sẽ không giống bất kỳ những gì nhân loại đã từng trải qua trước đây. Chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào nó sẽ mở ra, nhưng có một điều rõ ràng: phản ứng với nó phải được tích hợp và toàn diện, liên quan đến tất cả các bên liên quan của chính trị toàn cầu, từ khu vực công và tư đến các cơ sở học thuật và xã hội dân sự”.

Như một lẽ thường tình mà cho đến giờ phút này ai cũng phải thừa nhận: giáo dục chịu tác động và tác động trở lại xã hội. “Một cây làm chẳng nên non”. Giáo dục đại học Việt Nam lâu nay “lụi hụi làm một mình” nên ngày càng bị chê bai. Bàn về hệ thống giáo dục trong bối cảnh I4.0 mà không đặt trong một môi trường tổng thể của xã hội 4.0 sẽ thiếu đi những yếu tố cốt lõi đảm bảo cho sự thành công. Thật là may mắn, mới năm ngoái đây Hội đồng Lý luận TW và Ban Kinh tế TW đã tổ chức Diễn đàn kinh tế 2018 “Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”và đầu năm nay Hội đồng Quốc gia GD và PTNNL và hai Đại học Quốc gia cũng đã tổ chức một Hội thảo về “Nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những đáp ứng của giáo dục đại học Việt Nam”. Vì vậy báo cáo này sẽ chỉ trình bày tập trung vào chủ đề của Hội thảo này với 3 phần:

1. Nhìn lại giáo dục qua 4 cuộc CM công nghiệp

2. Những hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam trước ngưỡng cửa I4.0

3. Tác động của I4.0

4. Về một nền giáo dục may đo (tailored education)

5. Kết luận

1. Nhìn lại giáo dục qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp
Thử nhìn lại quá trình phát triển giáo dục qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Giáo dục trong I1.0 (bắt đầu từ 1780 với sự ra đời của máy hơi nước) không mong đợi từ xã hội rằng gia đình, các nhà tuyển dụng cần phải giáo dục con em và người làm thuê. Ở thời điểm đó, giáo dục như là một thứ được tạo nên cho những người giàu. 
I2.0 (bắt đầu từ năm 1900 với sự hình thành dây chuyền sản xuất) đòi hỏi những người lao động tiên tiến, họ cần biết đọc, biết viết, cần được giáo dục và huấn luyện để trở thành một mắt xích hiệu quả trong dây chuyền sản xuất. Hệ thống này, về thực chất vẫn đang tồn tại trong ý nghĩ của mọi người ngày hôm nay: giáo dục đáp ứng những đòi hỏi của công nghiệp. Cụ thể là:
1. Từ dây chuyền sản xuất (DCSX), quá trình học tập được sắp đặt trước và theo thứ tự.
2. Trong DCSX chất lượng được kiểm tra ở từng công đoạn vậy nên trong giáo dục các bài kiểm tra theo chuẩn được thực hiện ở mỗi cuối học kỳ.
3. I2.0 đòi hỏi chuyên gia ở mỗi công đoạn nên trong giáo dục giáo viên cũng được chuyên ngành hóa.
4. Sản phẩm đồng nhất được xem là chuẩn mực trong I2.0 thì giáo dục cũng sử dụng cùng một thang đánh giá.
5. Trong I2.0 không có ai tự mình xây dựng sản phẩm đầu ra, trong khi đó không ai “tưởng tượng ra” con đường học tập của sinh viên trong hệ thống (nobody “sees” the student learning path in the system).
Sau I3.0 (1970) với máy tính và PLC- programable logic controller -các bộ điều chỉnh logic có thể lập trình được, máy tính được tích hợp vào trong hệ thống giáo dục, nhiều kiểu khóa học được tạo ra với xu hướng thay thế giáo viên, máy tính được đưa vào lớp học mà không thay đổi cách tiếp cận dạy, học, kiểm tra và đánh giá, việc chuyển tư duy của cách mạng I2.0 vào máy tính không tạo nên một cuộc cách mạng trong giáo dục.
I4.0 (2000) cùng với việc kết nối mạng máy tính trong công nghiệp, internet được đưa vào hệ thống giáo dục. Hiện nay, sinh viên có thể tham gia vào quá trình học từ xa và có thể tiếp cận với một nguồn thông tin không giới hạn; tuy vậy, vẫn chưa có những thay đổi về các mô hình giáo dục, người học vẫn được kiểm tra bằng các tiêu chuẩn của I2.0, lợi ích từ máy tính và internet vẫn bị cản trở/sa lầy (remains stuck) ở một khâu nào đó trong mô hình giáo dục đáp ứng các đòi hỏi của I2.0.
Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận về học tập lấy người học làm trung tâm, đầu ra của việc học, học tập suốt đời và thậm chí cả về sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, lĩnh vực giáo dục và giáo dục đại học nói riêng, vẫn áp dụng các phương pháp tạo điều kiện học tập cổ xưa. Chương trình giảng dạy và chương trình hầu như không thể bắt kịp với nhu cầu của ngành công nghiệp và đời sống xã hội đương đại. 
Trên thực tế, có một khoảng cách giữa các cơ sở giáo dục và công nghiệp. Theo kết quả điều tra của INTELITEK, một tổ chức có tín nhiệm thì 72% các cơ sở giáo dục tin rằng những người lao động mới được đào tạo sẵn sàng cho công việc, trong khi đó chỉ có 42% các nhà tuyển dụng tin rằng những người lao động mới được đào tạo là sẵn sàng cho công việc. Đây rõ ràng là một sự khác biệt lớn. Các cơ sở giáo dục đã không bắt nhịp được với doanh nghiệp và công nghiệp.  
2. Những hạn chế của giáo dục đại học Việt Nam trước ngưỡng cửa I4.0
Bước vào ngưỡng cửa của I4.0, giáo dục đại học Việt Nam không chỉ có những hạn chế chung như hệ thống giáo dục địa học thế giới đã trình bày ở trên mà còn có những hạn chế riêng khiến cho thách thức trong việc tiếp cận I4.0 của GD đại học VN không chỉ là kép mà là chập 3 (hat-trick).
Thứ nhất, dấu ấn của E2.0 còn đậm nét trong giáo dục ĐH Việt Nam. Cụ thể là: quá trình học tập được sắp đặt trước và theo thứ tự, chất lượng được kiểm tra thông qua các bài kiểm tra theo chuẩn được thực hiện ở mỗi cuối học kỳ, giáo viên được chuyên ngành hóa, sử dụng cùng một thang đánh giá cho các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo và sự thiếu dân chủ rõ rệt trong nhà trường khi mà không ai có thể tự thiết kế con đường học tập của riêng mình (ngay cả hệ tín chỉ đang được triển khai vẫn còn mang tính hình thức). Thậm chí GD ĐH Việt Nam vẫn còn những khiếm khuyết khi đối chiếu với các chuẩn mực của E2.0 như là sự kết nối giữa các trường đại học và các doanh nghiệp, việc đào tạo các kỹ năng nhận thức cấp cao như giải quyết vấn đề, suy luận logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh chưa được quan tâm; chưa tạo động lực và khả năng học tập suốt đời và học tập liên tục cho mọi người, đặc biệt là kỹ năng khai thác các nguồn học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng và sự yếu kém về tiếng Anh.
Thứ hai,Việt Nam không có những định hướng rõ nét có tính dẫn dắt cho sinh viên hướng tới STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành ngoại thương, tài chính, ngân hàng..., thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành CNTT. Báo cáo mới nhất về ngành CNTT của Vietnamworks cho thấy, trong 3 năm gần đây, sổ lượng công việc của ngành này đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự chỉ tăng ở mức 8%. 
Thứ ba, chất lượng giáo dục đại học VN là có vấn đề xuất phát từ tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và từ chủ trương cho mở quá nhiều trường đại học. Khi mà các trường đại học phải lo kiếm sống để tồn tại như một doanh nghiệp trong bối cảnh số lượng tuyển sinh ngày càng thấp và chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát đầu ra, phần lớn các trường đại học tầm trung lúng túng trong việc giải quyết nghịch lý: một mặt đảm bảo không cung cấp thứ phẩm và phế phẩm cho xã hội và mặt khác sinh viên sẽ ngại vào các trường chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ học tập.
3. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 
Tác động đến kinh doanh
Nhìn chung, có bốn hiệu ứng chính mà I4.0 tác động đến kinh doanh: đến kỳ vọng của khách hàng, đến sự đề cao sản phẩm, đến đổi mới hợp tác và đến các hình thức tổ chức. Cho dù người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp thì khách hàng ngày càng trở thành tâm điểm của nền kinh tế, là mục tiêu của tất cả việc cải thiện cách thức phục vụ. Nhìn chung, sự thay đổi không thể lay chuyển từ số hóa đơn giản (I3.0) sang sự đổi mới dựa trên tổ hợp các công nghệ (I4.0) đang buộc các công ty phải xem xét lại cách họ làm kinh doanh. Điểm mấu chốt, tuy nhiên, là như nhau: các nhà lãnh đạo kinh doanh và giám đốc điều hành cấp cao cần phải hiểu môi trường đang thay đổi của họ, thách thức các nhóm điều hành của họ, và không ngừng đổi mới liên tục.
Tác động lên chính phủ
Khi thế giới vật lý, kỹ thuật số và sinh học tiếp tục hội tụ, các công nghệ và nền tảng mới sẽ ngày càng giúp công dân tham gia với chính phủ, lên tiếng, phối hợp các nỗ lực của họ và thậm chí phá vỡ sự giám sát của các cơ quan công quyền. Đồng thời, khả năng thích nghi của các hệ thống chính phủ và cơ quan công quyền sẽ quyết định sự sống còn của chính họ. Điều này sẽ đặc biệt đúng trong lĩnh vực định chế. Các hệ thống chính sách công và việc ra quyết định hiện nay phát triển cùng với I2.0, khi các nhà ra quyết định cần có thời gian nghiên cứu một vấn đề cụ thể và phát triển những phản ứng cần thiết hoặc khung pháp lý phù hợp. Toàn bộ quá trình được thiết kế tuyến tính và cơ học, theo một cách tiếp cận “từ trên xuống” nghiêm ngặt. Nhưng cách tiếp cận như vậy không còn khả thi nữa. Với nhịp điệu thay đổi nhanh chóng và tác động rộng lớn của I4.0, các nhà lập pháp và nhà quản lý đang bị thách thức ở mức độ chưa từng có và phần lớn là tỏ ra không thể đối phó. Làm thế nào, sau đó, họ có thể duy trì quyền lợi của người tiêu dùng và công chúng nói chung trong khi tiếp tục hỗ trợ đổi mới và phát triển công nghệ? Điều này có nghĩa là các nhà quản lý phải liên tục thích ứng với một môi trường mới, thay đổi nhanh chóng, tái tạo lại chính họ để họ có thể thực sự hiểu họ đang điều tiết cái gì. 
Tác động lên con người
I4.0 sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm mà còn là chúng ta là ai. Nó sẽ ảnh hưởng đến danh tính của chúng ta và tất cả các vấn đề liên quan như: ý thức về sự riêng tư, quan niệm về quyền sở hữu, hình thức tiêu thụ, thời gian chúng ta cống hiến cho công việc và giải trí, và cách chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người, và nuôi dưỡng các mối quan hệ. I4.0 đã thay đổi sức khỏe của chúng ta và giúp ta biết tự "định lượng" – thu thập dữ liệu sức khỏe cá nhân, và sớm hơn chúng ta nghĩ nó có thể dẫn đến việc tăng cường năng lực con người bằng cách lắp ghép bổ sung các chip. Tuy vậy, sự tích hợp công nghệ trong cuộc sống của chúng ta có thể giảm bớt một số năng lực tinh túy của con người, chẳng hạn như sự từ bi và hợp tác. Kết nối liên tục với điện thoại thông minh có thể tước đoạt của chúng ta một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống: thời gian để tạm dừng, suy ngẫm và tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa.
Tương tự như vậy, các cuộc cách mạng xảy ra trong công nghệ sinh học (CNSH) và AI, đang xác định lại ý nghĩa của con người bằng cách đẩy lùi các ngưỡng tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức và khả năng hiện tại, sẽ buộc chúng ta xác định lại ranh giới đạo đức và đạo lý của mình. 
Tác động đến giáo dục
Với công nghệ thay đổi nhanh chóng thực tế kinh tế, văn hóa và xã hội của chúng ta, câu hỏi về cách chuẩn bị thế hệ trẻ và thậm chí thế hệ hiện tại cho I4.0 là một vấn đề bức xúc đối với giáo dục đại học đương đại. Chúng ta làm giáo dục như thế nào cho I4.0? Hệ thống giáo dục và chương trình của chúng ta có thích ứng với I4.0 không? Và nếu không, làm thế nào để chúng ta tái tạo lại hệ thống giáo dục của chúng ta để chúng thích ứng?
Dễ dàng nhận thấy rằng mức độ phức tạp của các tác động của E4.0 đến giáo dục, kinh doanh, chính phủ và con người ngày càng tăng và cuối cùng, tất cả, cho dù kinh doanh, chính phủ hay bản thân mỗi con người chúng ta đều đòi hỏi phải được giáo dục, đào tạo, đào tạo lại để biết cách đáp ứng những tác động đó. Vậy là giáo dục chịu tác động kép của E4.0.
Với việc đại chúng hóa giáo dục xảy ra trên toàn thế giới trong ba thập kỷ qua, thiết kế của cả hai hệ thống giáo dục truyền thống và hiện đại đã không đảm bảo tiếp cận với một nền giáo dục có chất lượng và thích ứng cho dân số thế giới. Như vậy, cần phải thiết kế lại các hệ thống giáo dục đương đại để tạo ra một hệ thống thích nghi và linh hoạt hỗ trợ giáo dục cho các cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư và tương lai. Cần phải đảm bảo rằng dân cư thế giới và không chỉ thế hệ trẻ, có khả năng tiếp tục học hỏi, thích nghi và áp dụng công nghệ thay đổi nhanh chóng cho môi trường học tập và làm việc thay đổi nhanh chóng và thích ứng với sự phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Khi nói về giáo dục 4.0 (viết tắt là E4.0) cần xác định cho được việc học ở trường (schooling) của ngày hôm nay cần thiết để trở thành một thành viên tích cực của xã hội và một người làm công ăn lương có giá trị trong không gian công nghiệp.
4. Về một nền giáo dục may đo (tailored education)
Để đáp ứng I4.0 trước hết chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận giáo dục mà không phải vào nội dung chính yếu các môn học. Tại hội thảo “Giáo dục đào tạo đáp ứng công nghiệp 4.0” (Learning to Industry 4.0) do Lạc Việt và Intel đồng tổ chức năm 2018 tại Hà Nội, có một học giả từ INTELIK đã đề xuất  4 nội dung của nền giáo dục may đo: i) Con đường học tập của mỗi cá thể cần được thiết kế thích ứng với từng người, phù hợp với năng lực và sự quan tâm của họ; ii) Đánh giá (Assessment) quá trình học tập - không xếp loại người học theo kết quả kiểm tra (exam); iii) Thay đổi vai trò của giáo viên từ người truyền đạt sang người cố vấn thông thái (mentor); iv) Giúp sinh viên nhận ra được lĩnh vực mà họ phù hợp và giúp họ vượt trội (excel at) về lĩnh vực đó. Những đặc điểm này là để phù hợp với những đòi hỏi của I4.0 cụ thể là: dây chuyền sản xuất mềm dẻo, kiểm tra chất lượng trực tuyến, tự động giám sát người lao động, các sản phẩm tùy chỉnh, kỹ thuật hệ thống (system engineering) và học tập suốt đời.
Cũng về một nền giáo dục may đo trong hai ngày 11 và 12 tháng 7 năm 2013 tại Khu Biệt thự Hồ Tây, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho “ Dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tôi đã trình bày về việc thay đổi cách dạy của thầy và cách học của trò trong thế kỷ 21, và lần đầu tiên đề xuất một nền giáo dục may đo tại VN với 5 đặc điểm. Xin được viết lại như sau: 
Thứ nhất, thay cho việc chỉ dạy chữ, chỉ truyền đạt kiến thức (giờ thì đã bổ sung thêm là kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề) nên dạy cách suy nghĩ và sáng tạo. 
Thứ hai, tài năng con người là đa dạng và ẩn chứa bên trong mỗi cá thể. Cần tạo tình huống cho chúng bộc lộ. Có thể ví như mỏ quý nằm sâu trong lòng đất hoặc lộ thiên không thể khai thác theo cùng một quy trình công nghệ được. Xã hội lại rất cần nhiều tài năng khác nhau chứ không phải một vài khả năng đơn thuần nào đó như làm toán hoặc viết văn. Tâm điểm của thử thách này chính là xây dựng lại cách nhìn của chúng ta về khả năng và sự hiểu biết của người học.  
Thứ ba, tất cả học sinh đều được học trường tốt. Trồng người không phải là một quy trình công nghiệp (như gieo hạt bằng máy) được chuẩn hóa, tuyến tính và cứng nhắc. Giáo dục là một quá trình sinh và tâm lý học mà chúng ta không đoán trước được đặc tính sản phẩm đầu ra nên thầy cô giáo phải biết cách hướng dẫn cho người học lựa chọn, điều chỉnh phù hợp với từng cá thể, nuôi dưỡng được tâm hồn và lòng đam mê học tập. Nếu không có sự đam mê thì trái đất cũng lụi tàn. Vì thế, theo quan điểm cũ, trường tốt được dành cho những học sinh tốt nhất. Việc thi tuyển được dùng để đảm bảo rằng chỉ có các sinh viên trí tuệ tài năng nhất (theo chuẩn do người lớn đặt ra) được nhận vào các trường có uy tín. Quan điểm mới, khi tài năng bên trong của mọi trẻ em được bộc lộ, tất cả các trường sẽ trở thành một trường học tốt. Đây mới là tư tưởng cốt lõi của nền giáo dục may đo.
Thứ tư, ai cũng được học hành và học suốt đời. Muốn vậy, cần đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của các tầng lớp nhân dân ở các trình độ, phương thức và loại hình giáo dục và đào tạo khác nhau. Mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Nhà nước mà còn từ xã hội và bản thân người đi học. Đây cũng là mục tiêu của việc xây dựng một hệ thống giáo dục theo hướng mở mà Nghị quyết 29 đã đề ra. 
Thứ năm, học để làm chủ đất nước và sánh vai cùng bè bạn năm châu.  Đây là tiền đề có tính mục tiêu nên tôi để cuối chứ không phải vì nó kém quan trọng. Xin lưu tâm chữ “làm chủ”. Chúng ta phàn nàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, xã hội trách một lần thì chúng tôi tự trách mình mười. Đã học đến đại học (mà xã hội gọi là thầy) thì phải có năng lực lập nghiệp và thậm chí sáng nghiệp cho xã hội. Tại sao cứ kêu ca là không tìm được việc làm, tại sao cứ nghĩ học xong để đi làm thuê. Xin được làm thuê cho một công ty nước ngoài lương cao là hả hê lắm. Tại sao không nghĩ rằng học ra để làm ông chủ, để cùng với bạn bè lập nghiệp? Lỗi ở chính nhà trường đại học chưa chú trọng giáo dục khai phóng, chưa hướng dẫn cho sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu để đạt được các mục tiêu sống của mỗi người. Ý thứ hai trong mục tiêu là “sánh vai cùng bè bạn năm châu”. Tư tưởng này của cụ Hồ cao hơn tư tưởng hội nhập hiện nay. Riêng chuyện hội nhập chắc còn nhiều việc phải bàn tiếp. 
Trong 5 điểm đã nêu thì khó thực hiện nhất là làm sao cho các trường của Việt Nam đều là những trường tốt. Đây là việc của các trường đại học, chắc chắn không ai có thể làm thay được. Mặt khác, xã hội, doanh nghiệp và công nghiệp cần đầu tư thêm cho giáo dục, huy động thêm nguồn lực và cần một cung cách quản lý hiệu quả của Nhà nước.
5. Thay cho lời kết 
Sự sụp đổ của BlackBerry trong khoảng thời gian 10 năm trong lĩnh vực điện thoại di động có thể xem là cuốn sách giáo khoa về việc một doanh nghiệp có thể bị đánh bại bởi những người mới nổi nếu không cố gắng. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng nguyên nhân của sự sụp đổ này là do Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ: “Đừng chạy nhanh hơn và cật lực chỉ để dừng một chỗ”, có nghĩa là chúng ta không thể tự mãn hoặc chúng ta sẽ tụt hậu. Để sống sót trong ngày mai tới, chúng ta phải chạy rất nhanh và cật lực, chúng ta cần phải cùng tiến hóa với các hệ thống mà chúng ta tương tác. Tuy nhiên, không phải tất cả các loài động vật đều tiến hóa với cùng tốc độ. Một số “thích ứng với sự thay đổi” nhiều hơn những loài khác. Các loài nhạy cảm hơn với thay đổi có thể đạt được lợi thế tương đối so với những loài mà chúng đang cạnh tranh sinh tồn và tăng tỷ lệ sống sót. “Không phải là loài mạnh nhất, cũng không phải là thông minh nhất, mà là người phản ứng nhanh nhất để thay đổi (thích nghi) sẽ sống sót." (Charles Darwin)
Chúng tôi không dám nói về cách mạng học tập như thế giới đã nói vì rằng với người Việt và văn hóa Việt “Cách mạng dẫn đến xáo trộn và đổ vỡ” mà chỉ nói đến sự làm mới (innovation) lấy việc học của các thế hệ khác nhau trong xã hội làm điểm đột phá (disruptive innovation) để thiết kế lại hệ thống. Sự đổi mới đột phá này có gây bất ổn không, có xáo trộn và đổ vỡ không. Thưa là xáo trộn thì có nhưng đổ vỡ thì không. Chắc chắn là không vì chúng ta đã từng thực hiện triết lý“dĩ bất biến ứng vạn biến”, chúng ta đã có triết lý “trồng người” trước người phương tâyvà cũng đã chú trọng giáo dục ngoài nhà trường với triết lý “học thầy không tày học bạn” và từ xa xưa là triết lý “ba người cùng đi ắt có người là thầy ta” (tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư)./.



GS.TSKH Đặng Ứng Vận
Hội đồng Giáo dục Quốc gia


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết