Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thực trạng công tác đối ngoại thời gian qua và những vấn đề đặt ra

Ngày phát hành: 04/06/2019 Lượt xem 53769

 

1. Thành tựu

Những bước phát triển, hoàn thiện nhận thức và tư duy mới về đối ngoại trong quá trình đổi mới đã trở thành tiền đề để Đảng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn chỉnh đường lối và chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới, chỉ đạo quá trình triển khai để từ đó thu được những thành tựu quan trọng về đối ngoại. Các thành tựu chính bao gồm:

Một là, công tác đối ngoại đã góp phần tiếp tục duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN. Điều này được thể hiện rõ trên các phương diện sau: (i) Chúng ta đã xử lý tốt và không ngừng đưa các mối quan hệ với các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (nhất là Đức), Nhật Bản… đi vào chiều sâu và ngày càng thực chất; (ii) Mặc dù thời gian qua, có nước đã tiến hành cải tạo đảo/đá trái phép ở biển Đông, đã tiến hành quân sự hóa ồ ạt các đảo nhân tạo đã chiếm đóng trái phép, đã có nhiều hành động chèn ép, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta, nhưng chúng ta đã khéo léo, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chúng ta cũng đang cùng ASEAN và Trung Quốc tích cực tham gia đàm phán về COC, đẩy mạnh trao đổi về phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, tiếp tục duy trì các cơ chế đàm phán với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực nghiên cứu các khả năng hợp tác cùng phát triển; (iii) Mặc dù các nước lớn thời gian qua ra sức vận động, lôi kéo Việt Nam tham gia các tập hợp lực lượng mới, chúng ta đã khẳng định được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, xử lý tương đối cân bằng quan hệ với các nước lớn… (iv) Chúng ta cũng đã xử lý tốt quan hệ với các nước láng giềng. Trong thời gian từ 2013 – 2018, mặc dù tình hình ở Campuchia có nhiều biến động chính trị phức tạp, chúng ta vẫn kiên trì hòa hiếu, duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị. Chúng ta cũng đã hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào; đang triển khai việc thực hiện Nghị định thư và Hiệp định quy chế biên giới Việt – Lào. Với Campuchia, hai nước cũng đã hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc và đang xúc tiến hoàn tất văn kiện ghi nhận những kết quả đã đạt được. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, nhất là trong việc xây dựng ba cộng đồng, duy trì đoàn kết nội khối, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài; (v) Chúng ta cũng đã đấu tranh kiên quyết, làm thất bại nhiều âm mưu can thiệp của các lực lượng thù địch trong vấn đề dân chủ nhân quyền, tôn giáo; kịp thời xử lý nhiều vụ việc phức tạp về chính trị đối ngoại, góp phần bảo vệ chế độ, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội…

Hai là, công tác đối ngoại đã đẩy mạnh triển khai chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đưa quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, phục vụ thiết thực cho sự phát triển của đất nước.Trong hơn hai năm (từ 2016 – nay), Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Australia; đối tác toàn diện với Myanmar, Canada, Hungary và New Zealand. Đến nay Việt Nam đã có 16 đối tác chiến lược, 12 đối tác toàn diện. Chúng ta cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 hiệp định đã hoàn tất và đã có hiệu lực, 1 hiệp định chuẩn bị có hiệu lực, 1 hiệp định đã được ký kết và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để thông qua và 4 hiệp định đang trong quá trình đàm phán; thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ngày càng mở rộng. Đến nay đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Chúng ta tiếp tục tranh thủ được nhiều nguồn lực to lớn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ sau Đại hội XII đến nay, chúng ta đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp từ trung ương tới địa phương. Công tác thông tin, tư vấn tới nhiều địa phương, doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, chính sách kinh tế, thương mại của các nước, các đối tác đã được tăng cường, kịp thời và được các địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao. Các nguồn lực to lớn cho phát triển như đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển, hỗ trợ kỹ thuật tiếp tục được thu hút và duy trì. Số lượng du khách tới Việt Nam không ngừng gia tăng. Hợp tác quốc tế và hội nhập về y tế, giáo dục đào tạo, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được thúc đẩy.[1]

Ba là, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII về việc “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm” và chủ động “nâng tầm ngoại giao đa phương”, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong các hoạt động ngoại giao đa phương, đặc biệt là trong các vấn đề có lợi ích sát sườn với Việt Nam. Chúng ta không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, mà còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương. Điều này được thể hiện rõ nhất trong năm APEC Việt Nam 2017. Việt Nam cũng rất năng động, tích cực trong các cơ chế của ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê-công; đảm nhiệm ngày càng nhiều các trách nhiệm quốc tế như gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (PKO), Hội đồng nhân quyền… Chúng ta cũng đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế như Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)… Các nước lớn ngày càng coi trọng Việt Nam và đặt Việt Nam ở vị thế ngày càng cao trong chiến lược của họ ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam được bầu làm Phó Tổng thư ký ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban LPQT, Tổng thư ký tổ chức Colombo…

Nói tóm lại, công tác đối ngoại đã góp phần đưa đất nước đi đúng xu thế của thời đại, góp phần kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Với các nước lớn, Việt Nam đã xây dựng được các khuôn khổ quan hệ ổn định, cùng có lợi, phù hợp với lợi ích của đất nước về lâu dài. Các nước lớn cũng đặt Việt Nam ở vị trí ngày càng cao trong chiến lược của họ ở khu vực và trên thế giới. Với các nước láng giềng, chúng ta đã giữ được phên dậu, giữ được hòa hiếu, đã tìm ra hướng đi chung với láng giềng, kể cả trong những lĩnh vực nhạy cảm (ví dụ như trong vấn đề Mê-công với Lào). Với các cơ chế đa phương, Việt Nam đã mở ra không gian rộng lớn hơn để có thể tham gia ngày càng sâu rộng, chủ động hơn, có thể đóng vai trò lớn hơn, đóng góp thực chất hơn, đồng thời phục vụ thiết thực với việc bảo vệ lợi ích quốc gia. Công tác đối ngoại đã đồng đều hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lĩnh vực (ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa) trên các kênh (ngoại giao Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại nhân dân). Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và mở rộng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tăng cường nâng cao uy tín và vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.”[2] Chu trình chính sách, từ tư duy nhận thức đến hoạch định chính sách và triển khai trên thực tế ngày càng hoàn thiện, trong đó vai trò của tư duy nhận thức ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng.

2. Những hạn chế, bất cập

Đại hội XII đã nêu các hạn chế của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế gồm: có mặt chưa chủ động và hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ. Công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình còn hạn chế.[3]

Tuy nhiên, các hạn chế trong công tác đối ngoại nổi lên qua các điểm chính sau. Một là, thời gian qua trong một số vấn đề, ở một số thời điểm nhận thức của chúng ta không theo kịp tình hình. Chúng ta đã không lường hết được những diễn biến phức tạp, nhanh chóng trong chính sách và quan hệ của các nước lớn, nhất là của Mỹ và quan hệ Mỹ - Trung. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các yếu tố khách quan, do tình hình thế giới, khu vực biến động rất phức tạp, khó lường. Nhưng công tác nghiên cứu đánh giá tình hình và dự báo chiến lược vẫn chưa được như mong muốn.

Hai là, việc triển khai đường lối và chính sách đối ngoại trong thực tiễn vẫn chưa mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện. Việc tạo đan xen lợi ích, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, xây dựng các khuôn khổ quan hệ thực chất và hiệu quả, triển khai các thỏa thuận đã ký kết thực chất, tham gia và tận dụng các thể chế đa phương, nhất là ASEAN để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam vẫn còn chưa được như mong muốn. Sự tham gia của các bộ ngành và địa phương vào công tác đối ngoại còn chưa đồng đều.

Nguyên nhân của tình hình này bao gồm (i) chưa có nhận thức rõ và đầy đủ về một số vấn đề đối ngoại – sẽ nêu ở phần sau của chuyên đề, (ii) chưa huy động được toàn bộ hệ thống tham gia công tác đối ngoại, nhất là trong chủ trương hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương, một phần do khác biệt về lợi ích (iii) cơ chế thống nhất quản lý đối ngoại chưa tối ưu, (iv) các nguồn lực dành cho công tác đối ngoại, cả về vật chất và nhân sự còn hạn hẹp.

3. Những vấn đề đặt ra về đối ngoại

Công tác đối ngoại tiếp tục phải phục vụ yêu câu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới với thế và lực mới. Quy mô GDP của Việt Nam đã tăng gấp 30 lần so với năm 1986; thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 24 lần so với năm 1986. Quy mô nền kinh tế hiện nay đạt khoảng 247 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD (gấp đôi GDP và đứng đầu ASEAN về độ mở của nền kinh tế); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 7%/năm. Về trung và dài hạn, Việt Nam được dự báo là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình cao vào khoảng 2030. Theo dự báo của OECD, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm các nước phát triển OECD vào khoảng 2050. 

Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một chiến lược phát triển mới trong đó các lợi ích quốc gia – dân tộc về an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam đều đã lớn hơn cùng với thế và lực mới của đất nước. Trong khi đó, chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã đặt ra những hoàn cảnh mới của việc chúng ta theo đuổi lợi ích quốc gia – dân tộc cũng như đặt ra những vấn đề mới đối với việc hoạch định và triển khai công tác đối ngoại. Vận động của cục diện thế giới tiếp tục đặt ra một số vấn đề chính sau:

(1). Điều chỉnh chính sách và quan hệ giữa các nước lớn:

Tương quan so sánh lực lượng mới và chiến lược đối ngoại của các nước lớn đã làm cho chính trị cường quyền và cạnh tranh quyền lực nước lớn gia tăng. Các khuôn khổ quan hệ nước lớn đang được định hình lại và ngày càng bị tác động bởi quan hệ Mỹ - Trung. Điều chỉnh chiến lược của các nước tuy chưa mang đến sự “đảo lộn” cục diện quốc tế nhưng đã gây ra tác động lớn trong ngắn và trung hạn. Cấu trúc "nhất siêu đa cường" vẫn tiếp tục trong đó Mỹ đang ở trong xu thế bị thu hẹp khoảng cách sức mạnh nhưng ngôi vị số 1 chưa thể bị thay thế. Do đó, quan hệ quốc tế bước vào một giai đoạn bất định và khó lường hơn, mang dấu hiệu của một “thời kỳ quá độ” chuyển sang các dạng trật tự mới.

Một số điều chỉnh chính sách của các nước cho thấy:

- Sự cạnh tranh trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng lên rất mạnh với các phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, hai bên vẫn tránh đụng độ và không gây đổ vỡ quan hệ, và áp dụng các biện pháp quản lý khủng hoảng để tránh tình trạng căng thẳng leo thang.

- Các nước khác đang bị lâm vào thế “kẹt” mới. Theo đó, các nước vừa và nhỏ (i)  đều cố gắng tìm cách dung hòa quyền lợi với các nước lớn, duy trì can dự vào trật tự thế giới, dù ở mức độ giảm đi, và (ii) các nước đẩy mạnh quan hệ với một số nước lớn, để “phòng vệ nước đôi,” và (iii) tìm kiếm các mối liên kết mới ngoài, để hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh và hợp tác Mỹ - Trung. Từ đó tập hợp lực lượng giữa các nước sẽ tiếp tục linh hoạt, đan xen, với nhu cầu chọn bên và như khả năng phân cực/phân tuyến trong khu vực thời gian tới chưa cao.

- Do tương tác quan hệ các nước lớn và thực tiễn quan hệ đối ngoại của ASEAN, khả năng xuất hiện cơ chế đa phương khu vực thay thế ASEAN không cao. Các nước lớn vẫn ủng hộ “vai trò trung tâm” của ASEAN trong kiến trúc khu vực đang định hình. ASEAN còn là trọng tâm trong chính sách Hướng Nam của Hàn Quốc và Đài loan, chính sách Hướng Đông của Ấn độ, chính sách Thế kỷ châu Á của Úc . . . Nhưng đồng thời các nước lớn ráo riết lôi kéo, chia rẽ và phân hóa thành viên ASEAN để kiềm chế lẫn nhau và cạnh tranh chiến lược. Do còn khác biệt về lợi ích, các nước ASEAN không thể có lập trường mạnh về các vấn đề an ninh khu vực nhất là biển Đông, sông Mê Công. Điều này làm cho vai trò của ASEAN có phần suy giảm.

Một số đặc điểm quan hệ giữa các nước lớn trong thời gian tới là:

- Quan hệ nước lớn đang định hình. Một mặt quan hệ nước lớn tiếp tục diễn ra trong trật tự thế giới sau Chiến tranh Lạnh dựa trên sức mạnh Mỹ và các thiết chế do phương Tây lập ra. Mặt khác, xu hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng mạnh, theo đó có sự “giao thoa” và đấu tranh giữa trật tự cũ và trật tự mới.

- Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác, xoay theo trục quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng mặt cạnh tranh đang nổi lên, với mức độ căng thẳng gia tăng, phát triển với tốc độ nhanh hơn, lan ra nhiều lĩnh vực hơn, phân tuyến rõ hơn. Nhưng cạnh tranh không đưa tới đụng độ/đổ vỡ quan hệ và hợp tác không dẫn đến liên minh.

- Quan hệ nước lớn ngày càng dựa nhiều hơn vào thế giới quan, kinh nghiệm, ưu tiên, quan hệ cá nhân và tương tác giữa các lãnh đạo quốc gia còn tại vị trong 5 – 10 năm tới.

- Tập hợp lực lượng liên quan các nước lớn diễn ra linh hoạt dựa trên những tính toán theo từng vấn đề và thời điểm cụ thể, chủ yếu dựa trên lợi ích dân tộc, do sự đan xen lợi ích chằng chịt và bản chất cạnh tranh Mỹ - Trung chưa đi đến chỗ loại trừ nhau. Kết quả là trên thực tế nhiều nước vẫn có thể đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của mình.  

(2). Vận động của các xu thế lớn trong đời sống quốc tế:

a. Toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế khách quan. Tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ số, tiếp tục là động lực của toàn cầu hóa.[4] Chuỗi sản xuất, giá trị và cung ứng càng trở nên chặt chẽ hơn thông qua các sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng. Chủ thể của toàn cầu hóa ngày càng mở rộng, không chỉ gồm các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn, các nền kinh tế phát triển; doanh nghiệp nhỏ cũng có thể thực hiện các hoạt động kinh tế, văn hóa xuyên biên giới. Cùng với toàn cầu hóa kinh tế, luồng di chuyển thể nhân thông qua các hoạt động làm ăn, học tập, du lịch, trao đổi và lưu khác cũng tăng mạnh, một phần là vì tăng trưởng mạnh trong ngành vận tải.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang đứng trước những phát triển phức tạp. Dòng lưu chuyển thông tin đã làm thay đổi hướng lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, tài chính và con người từ các nước đang phát triển quay về các nước phát triển. Các nước đang phát triển đang mất lợi thế cạnh tranh truyền thống.[5] Quá trình thể chế hóa các quan hệ toàn cầu, nhất là thương mại và đầu tư, đang chậm lại. Do những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, tâm lý chống toàn cầu hóa (còn gọi là làn sóng “phản toàn cầu hóa”) tăng mạnh nhất là ở các nước phát triển. Lợi dụng tâm lý này, các chính trị gia dân túy đề cao “chủ nghĩa dân tộc về kinh tế,” chủ trương quay vào bên trong và giảm sự ủng hộ đối với các cơ chế đa phương có chức năng điều tiết/điều phối các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu. Về thương mại, các nước tăng cường áp dụng chính sách bảo hộ: các biện pháp bảo hộ mậu dịch gia tăng, lĩnh vực mở rộng và tinh vi hơn.

Mặc dầu vậy, do tính khách quan của toàn cầu hóa và lợi ích của mình, các nước vẫn không quay lưng hoàn toàn với toàn cầu hóa. Chủ trương chống bảo hộ, ủng hộ tự do hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới vẫn được duy trì ở mức độ khác nhau tại những diễn đàn đa phương lớn (G20, G7, BRICS, APEC…). Chính quyền Trump vẫn giữ các nguyên tắc thương mại tự do, chỉ điều chỉnh để có lợi hơn cho Mỹ, theo hướng “cân bằng và có đi có lại” hơn. Hội nhập khu vực đang trở thành giải pháp bổ sung cho liên kết toàn cầu. Mô hình EU đang được điều chỉnh trong giai đoạn hậu Brexit; Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), mở rộng ảnh hưởng sang những nước láng giềng và những những trong khu vực; Nhật và các nước TPP-11 kết thúc đàm phán và ký kết CPTPP và Mỹ đang tính tham gia lại tiến trình này. Các nền kinh tế ngày càng lệ thuộc lẫn nhau, lợi ích kinh tế giữa các nước tiếp tục đan xen.

b. Xu thế dân chủ hóa và chính trị cường quyền tiếp tục đan xen và giằng co trong chính trị quốc tế. Các nước lớn tăng cường áp dụng chính trị cường quyền, cạnh tranh quyền lực, tăng sử dụng các biện pháp song và đơn phương, từ đó làm giảm tầm quan trọng của các thể chế đa phương và vai trò của các nước vừa và nhỏ. Các nước vừa và nhỏ ngày càng bị động trước sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn và các tổ chức/cơ chế đa phương ngày càng bị chia rẽ và giảm vai trò trước chính trị cường quyền.

Tuy nhiên, xu thế dân chủ hóa vẫn có khả năng hạn chế chính trị cường quyền, do (i) sự nổi lên/mạnh lên một cách tương đối của các nước đang phát triển vừa và nhỏ, (ii) các nguyên tắc và luật lệ của các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực hiện hành vẫn được bảo vệ, (iii) một số cơ chế đa phương mới như BRICS, AIIB, SCO ra đời dưới sự dẫn dắt của các nước lớn mới nổi, nhất là Trung Quốc cũng góp phần tạo ra các “giải pháp thay thế” hoặc “bổ sung” cho các cơ chế hiện hành (iii) do tình trạng cạnh tranh nước lớn, các nước vừa và nhỏ có không gian và dư địa hành động rộng hơn, nhất là có khả năng tham gia các tập hợp lực lượng mới linh hoạt và đa dạng hơn, (iv) sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và nhận thức gia tăng của công luận thế giới về các chuẩn mực hành xử tiến bộ trong QHQT ngày càng góp phần hạn chế xu hướng cực đoan trong chính sách của các nước lớn.

c. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dù đang gặp nhiều thách thức hơn. Biểu hiện chính bao gồm (i) căng thẳng giữa các nước, nhất là các nước lớn và các nước có tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và điểm nóng có xu hướng gia tăng; (ii) chi tiêu quân sự đang tăng lên.[6] Các nước tập trung vào việc trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại có tầm xa, độ sát thương và độ chính xác ngày càng cao và khả năng xảy ra sự cố/va chạm cũng tăng lên, (iii) chính sách ngày càng theo hướng vị kỷ và vai trò của các thể chế đa phương suy giảm làm cho va chạm và mâu thuẫn tăng lên, khó giải quyết hơn. 

Nhưng nguy cơ xảy ra chiến tranh nóng hoặc lạnh không cao, do (i) chiến tranh (hạt nhân và thông thường) không phải là sự lựa chọn đầu tiên giữa các nước. Các chiến lược “răn đe,” chiến thuật “vùng xám” (không trực tiếp sử dụng các lực lượng quân sự chính quy) vẫn chiếm ưu thế chủ đạo, (ii) các biện pháp quản lý xung đột, kiểm soát khủng hoảng như bộ quy tắc chống va chạm không mong muốn (CUE), quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), ngoại giao phòng ngừa (PD) được áp dụng nhiều hơn. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố quốc tế bị suy yếu nghiêm trọng: về cơ bản, đến nay Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị suy yếu nghiêm trọng, không còn kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Trung Đông.

(3). Một số vấn đề mới nổi lên

- Quản trị quốc gia: Quản trị quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ mới tiếp tục là thách thức đối với nhiều nước, kể cả nước lớn. Rất ít nước tìm được các mô hình tăng trưởng kinh tế, quản lý xã hội hiệu quả thích nghi với cách mạng khoa học công nghệ 4.0, với kỳ vọng của người dân, và với phương thức sản xuất, tiêu dùng, thanh toán mới dựa trên công nghệ mới. Kết quả là hiện tượng nhà nước thất bại (failed states) tiếp tục diễn ra. Một số nước bị tụt hậu ngày càng xa, lâm vào bất ổn chính trị - xã hội, thậm chí lâm vào nội chiến, li khai, kéo theo sự can dự trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước lớn. Xung đột nội bộ trở thành xung đột khu vực và quốc tế.

- Quản trị toàn cầu: Hệ thống các thể chế quản trị toàn cầu tiếp tục phải xử lý thách thức kép, do (i) cạnh tranh nước lớn theo kiểu truyền thống đang có xu hướng phân rẽ quá trình liên kết toàn cầu theo vùng ảnh hưởng. Bên cạnh các thể chế đa phương cũ (như WB, IMF, WTO, ADB) đã xuất hiện của các thể chế đa phương mới (như AIIB, NDB…) đan xen và cạnh tranh nhau; (ii) công nghệ dưới tác động của cách mạng 4.0 đang làm cho các luật lệ/quy chuẩn toàn cầu trở nên bất cập. Nói cách khác, sự lệch pha giữa “quan hệ sản xuất” và “lực lượng sản xuất” ở cấp độ toàn cầu đang ngày càng sâu sắc, và (iii) các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia . . . diễn ra ngày càng nhiều về tần suất và mức độ tác động cũng như theo nhiều hình thức mới và trên nhiều lĩnh vực mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới.

- Phát triển và kết nối hạ tầng: Đây sẽ là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới vì vừa là nhu cầu lớn của các nước đang phát triển.[7] Đây còn là lĩnh vực đang được các nước lớn thúc đẩy với nhiều nguồn lực tài chính lớn, tác động mạnh tới các hình thức liên kết/tập hợp lực lượng địa chính trị, địa kinh tế khu vực và quốc tế trong thời gian tới.

- Xung đột giá trị: Luồng di chuyển hàng hóa, con người và ý tưởng, sự tương tác giữa các dân tộc trong toàn cầu hoá kéo theo sự giao thoa và xung đột giữa các giá trị văn hóa. Đây là bản chất của chính trị bản sắc (identity politics), điều liên quan đến quá trình quốc gia/dân tộc xác định rõ vị trí và hệ giá trị cốt lõi của mình trong tương quan với các nước khác và việc các nhóm thiểu số/dân tộc xác định mình và tìm được sự hòa hợp về kinh tế, sắc tộc, tôn giáo với các nhóm khác trong một nước. Thất bại trong việc xử lý thách thức “hội nhập – hòa tan” kể trên được cho là nguồn gốc của bất ổn và xung đột trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

- Tư duy, ý tưởng hoặc cách tiếp cận mới về phát triển kinh tế - xã hội: các tư duy về phát triển ngày nay đã mở rộng không chỉ bao hàm các khía cạnh kinh tế mà còn cả chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, và quốc tế. Các chuyên gia hàng đầu quốc tế cho rằng, cần phải thay đổi hoàn toàn về mặt thể chế nhằm duy trì tiến trình phát triển, như (i) chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon, (ii) xây dựng các hệ thống quản trị hiệu quả hơn và có khả năng đáp ứng nhanh với nhu cầu của người dân hơn; (iii) giải quyết bất bình đẳng và sự loại trừ; (iv) xây dựng khả năng chống chịu các cú sốc và khủng hoảng từ thiên tai tới nhân tai. Theo đó, các khái niệm phát triển bền vững, phát triển bao trùm, phát triển xanh, và phát triển đồng đều đã trở thành những ý tưởng đằng sau các mục tiêu phát triển thiên niên kỳ và SDG. Bên cạnh đó, các trào lưu xã hội mới hướng tới bình đẳng nam nữ, chăm sóc người cao tuổi, LGBT, chính trị bản sắc (cộng đồng, nhóm, quốc gia dân tộc . . .) cũng đã đưa đến những cách tiếp cận mới về chính trị quốc tế và chính trị nội bộ, từ đó hình thành các tập hợp lực lượng mới, bổ sung cho các hình thức liên minh, liên kết theo các logic kinh tế hoặc địa chính trị.

Nói tóm lại, khả năng thích ứng khác nhau của các nước trước những phát triển mạnh cả về chất lượng và quy mô của quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến sự phân hóa giữa các giai tầng trong một nước và thay đổi trong so sánh lực lượng giữa các nước trên thế giới. Các nước, không kể lớn hay nhỏ, đều đang trải qua quá trình tìm kiếm những mô hình quản trị quốc gia và quản trị khu vực quốc tế hiệu quả nhất, và trong quá trình đó xuất hiện các mô hình hợp tác/đấu tranh mới. Dưới tác động của xu hướng dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mặt cạnh tranh, nhất là cạnh tranh nước lớn đang tăng lên trong quá trình này.

(4). Các tác động đối với môi trường đối ngoại của Việt Nam: 

a. Tác động thuận:

- Việt Nam có thêm điều kiện và dư địa để củng cố và nâng cao vị thế ở khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh các nước lớn gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng nhưng không đến mức đối đầu, tăng cường hợp tác nhưng chưa đến mức có thỏa hiệp về chiến lược; các nước lớn đều có nhu cầu lôi kéo Việt Nam vào các hình thức tập hợp lực lượng phong phú và đa dạng, từ cấp độ lớn (Ấn Độ - Thái bình dương) đến nhỏ (tiểu vùng Mê Công). Việt Nam ở vào giao điểm giữa các “đại sáng kiến” BRI và Ấn độ - Thái bình dương và RCEP và CPTPP, do đó ở vào tâm điểm của các tập hợp lực lượng về địa chính trị và địa kinh tế. Riêng về đối ngoại, trong 16 đối tác chiến lược, 10 đối tác toàn diện và hai đối tác quan trọng khác là Lào và Campuchia, chưa có đối tác nào có dự báo sẽ có thay đổi lớn đối với Việt Nam. Với vị trí địa chiến lược và sức mạnh tổng hợp, với kinh nghiệm đối ngoại được tích lũy qua hơn 30 năm đổi mới, với vai trò thành viên ASEAN, Việt Nam không những có thể tránh được sự lôi kéo vào cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn mà còn có cơ hội tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác.

- Xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa tuy tăng lên nhưng không mạnh như dự báo. Một mặt chúng ta có thể tham gia các FTA đa phương với sức ép ít hơn, từ đó có thêm thời gian để tăng cường và hoàn thiện năng lực tự vệ và cạnh tranh. Mặt khác, chúng ta có thể hóa giải các sức ép bảo hộ, nhất là từ Mỹ, bằng các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là dựa trên giá trị địa chiến lược mới của Việt Nam. 

- Việt Nam có thể có điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh với các nhóm lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo can thiệp vào công việc nội bộ. Xu hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ và đa số các nước phương Tây và xu hướng ưu tiên các mục tiêu địa chính trị (nhất là dưới chính quyền Trump) có thể làm giảm mức độ quan tâm và sức ép của các nước này đối với việc phổ biến giá trị.

b. Tác động không thuận:

- Môi trường đối ngoại sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn. Do tính chất khó đoán định của tình hình khu vực và quốc tế ngày càng gia tăng, nhất là do các đối tác chủ chốt của ta điều chỉnh chiến lược và thị trường thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế thế giới sẽ bất ổn định hơn, với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định do đó sẽ gặp thách thức nhiều hơn. 

- Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng gặp một số thách thức mới. Bảo vệ chủ quyền của Việt Nam sẽ khó khăn hơn, đồng thời khả năng thực thi quyền chủ quyền để khai thác tài nguyên (nghề cá và dầu khí) cũng bị hạn chế hơn. An ninh sườn phía Tây của Việt Nam tiếp tục gặp thách thức lớn hơn, tác động tiêu cực đến lợi ích an ninh, phát triển của Việt Nam.

- Về mặt phát triển kinh tế, Việt Nam có thể sẽ gặp phải một số thách thức như (i) nguy cơ lệ thuộc lớn hơn vào nền kinh tế  (ii) sức ép bảo hộ từ các nền kinh tế phát triển tăng lên, nhất là khi Mỹ và châu Âu chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu của ta trong khi sức ép cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ mạnh hơn (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) khi họ cũng buộc phải chuyển hướng thương mại từ Mỹ và EU; (iii) xu hướng dịch chuyển sản xuất về các nền kinh tế phát triển có thể làm giảm sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhất là trên các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao, (iv) Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của các nước, nhất là Trung Quốc, (v) các thể chế đa phương tham gia “điều tiết” quá trình toàn cầu hóa về thương mại, đầu tư như WTO, APEC ngày càng giảm vai trò, và (vi) cọ xát thương mại giữa các nước có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam.

- Công tác đối ngoại đa phương cũng sẽ gặp thách thức hơn, do (i) vai trò của các thể chế đa phương phổ quát trên mặt các kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội đang có xu hướng giảm đi; trong khi đó các cơ chế mới theo hướng an ninh-chiến lược thì lại có xu hướng phân tuyến và phục vụ cạnh tranh chiến lược nước lớn; (ii) Một số nước lớn đang sử dụng các cơ chế đa phương mới để tập hợp lực lượng và định hình luật chơi mới có lợi cho họ, (iii) ASEAN tiếp tục bị chia rẽ và khó đạt đồng thuận về một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích cơ bản của ta, nhất là vấn đề biển Đông. Công cụ ASEAN ngày càng “giảm giá,” đặc biệt đối với việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển Đông, tiểu vùng Mê Công và đối với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương để qua đó nâng cao vị thế/uy tín khu vực và quốc tế của Việt Nam.

(5). Những vấn đề đặt ra với công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian tới:

Một là, thách thức từ yêu cầu xử lý hiệu quả, hài hòa quan hệ với các nước lớn. Cạnh tranh và cọ xát chiến lược nước lớn sẽ gay gắt, liên tục về mức độ và toàn diện về lĩnh vực. Hiện nay, mặc dù quan hệ nước lớn chưa đến mức Chiến tranh Lạnh mới, chưa chia phe nhưng đã xuất hiện những dạng tập hợp lực lượng mới đa dạng và linh hoạt. Điều này khiến cho bài toán xử lý quan hệ của Việt Nam với các nước lớn sẽ khó khăn hơn.

Hai là, thách thức từ yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa hội nhập quốc tế sâu rộng với bảo đảm an ninh quốc gia, độc lập tự chủ, bảo vệ chế độ, và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ba là, thách thức từ yêu cầu xử lý tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và nguồn lực cho phát triển.

Bốn là, thách thức từ yêu cầu xử lý hài hòa giữa chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương với sự “quay lưng lại” với chủ nghĩa đa phương và xu hướng “phản toàn cầu hóa.”

Năm là thách thức trong việc xử lý hiệu quả “độ vênh” giữa việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo đó Việt Nam tham gia sâu hơn, đóng vai trò lớn hơn trong các thể chế đa phương khu vực và quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế sâu rộng hơn nhưng hệ thống thể chế, luật pháp và trình độ/năng lực của đội ngũ cán bộ, bộ máy nhà nước và doanh nghiệp chưa ngang tầm nhiệm vụ. Nếu không xử lý tốt mâu thuẫn này, nguy cơ tụt hậu xa hơn do chậm chân hoặc thua thiệt trong cuộc chạy đua về kinh tế và không tận dụng được cơ hội do toàn cầu hóa  và cách mạng công nghệ mang lại./.

 

PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng

 



[1] Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỉ USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 15 triệu lượt người năm 2018. 

[2] Bài phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2019 ngày 28/12/2018.

[3] Văn kiện Đại hội XII, trang 152 – 153.

[4] Nổi bật là (i) kết nối kỹ thuật số phạm vi toàn cầu (digital globalization). Ước tính hiện nay, khoảng ½ dân số thế giới được kết nối internet, lượng thông tin, dữ liệu lưu chuyển xuyên biên giới đang “bùng nổ” trên phạm vi toàn cầu tạo thành thế giới “ảo”, không gian mạng không biên giới. Đến năm 2020, hơn 21 tỷ thiết bị điện tử sẽ được kết nối và mức độ trao đổi dữ liệu trên toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần, trở thành “con đường thương mại” toàn cầu mới. Hệ thống thương mại truyền thống dựa trên nền tảng vật chất/vật lý (physical) đang chuyển nhanh sang nền tảng kỹ thuật số với các kỹ thuật hoàn toàn mới như fintech, blockchain và tiền ảo (cryptocurrency).

[5] Các nước phát triển có lợi thế hơn trong việc áp dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để giúp tăng năng suất lao động thêm 30% và giảm chi phí lao động trong trung hạn khoảng 30%.

[6] Các nước lớn, đặc biệt Trung Quốc, tăng chi tiêu quân sự mạnh. Năm 2017, Mỹ (602 tỷ đô la) và Trung Quốc (150 tỷ đô la) là hai nước có chi phí quốc phòng lớn nhất, chiếm gần 50% chi phí quân sự toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất gần 7 tỷ đô la, chiếm 25% mức tăng chi phí quân sự toàn thế giới. Năm 2017, châu Á trở thành khu vực có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất, (chiếm 40% chi tiêu của thế giới).

[7] Trong 25 năm từ 2016 đến 2040, ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu là khoảng 97.000 tỷ USD, trong đó riêng châu Á là 52.000 tỷ USD.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết