Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phát triển kinh tế hợp tác xã và vấn đề hoàn thiện thể chế đất đai trong nông nghiệp (phần 2)

Ngày phát hành: 06/05/2022 Lượt xem 2088

                                               

III. Thực trạng và định hướng phát triển hợp tác xã và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong giai đoạn mới

 

1. Thực trạng sự vận động và phát triển của kinh tế hộ nông dân

Sự phát triển kinh tế tập thể, các hình thức HTX, các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp phải dự trên nền tảng phát triển đơn vị kinh tế hộ gia đình (ĐVKTHGĐ). ĐVKTHGĐ ở nước ta đã phải trải qua những giai đoạn “thăng trầm” khác nhau: Trong giai đoạn HTX - Tập thể hóa cả về mặt pháp lý, mặt sở hữu và trên thực tế không tồn tại đơn vị kinh tế hộ nông dân với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ. Từ khoán 100 đến khoán 10 (năm 1988) là giai đoạn từng bước khôi phục lại vai trò của đơn vị kinh tế hộ nông dân. Khoán 10, tiếp sau đó là nghị quyết của Hội nghị TW 6 (khóa VI, 1989), Luật Đất đai 1993 đã khẳng định và xác lập lại “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, được trao quyền làm chủ về ruộng đất, tư liệu sản xuất, và quá trình sản xuất kinh doanh. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những cơ chế chính sách về đất đai, đầu tư, thuế, tín dụng, thị trường, khuyến nông… để hỗ trợ kinh tế hộ nông dân phát triển. Đi vào kinh tế thị trường, Kinh tế hộ nông dân đã và đang có sự vận động và phát triển dưới tác động của những yếu tố, xu thế khách quan và những điều kiện cụ thể, bộc lộ những xu hướng tích cực và những hạn chế; xin nêu lên khái quát như sau:

- Sự vận động và phát triển của kinh tế hộ nông dân gắn liền với sự vận động của quan hệ ruộng đất, quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ, đô thị hóa. Điều này đang diễn ra khác nhau ở các vùng, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Mối tương quan dân số - lao động - đất đai; trình độ sản xuất hàng hoá của nền nông nghiệp; trình độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hóa nói chung và công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn nói riêng. Hạt nhân cơ bản nhất, chủ yếu nhất trong quyết định của các hộ nông dân sử dụng ruộng đất chính là ý nghĩa kinh tế, giá trị kinh tế của ruộng đất mang lại đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế của kinh tế hộ nông dân trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay.

 

- Trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá, các yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất khác, vốn, lao động mới chỉ là những điều kiện - dù là rất quan trọng đối với sản xuất hàng hóa, yếu tố quyết định nhất là năng lực sản xuất - kinh doanh hàng hoá của chủ hộ. Chính sự khác biệt về năng lực sản xuất - kinh doanh (không phải các hộ đều có như nhau) là một trong những yếu tố cơ bản nhất có tác động quyết định đến mức độ ruộng đất tham gia vào sản xuất hàng hoá, có những hộ phát triển hơn lên, tích tụ, mở rộng quy mô canh tác, lại có một số hộ không phát triển, thậm chí giảm quy mô canh tác hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Sự thay đổi mục đích sử dụng ruộng đất và nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá là một chỉ số cơ bản của nền nông nghiệp hàng hoá; điều đó cũng phản ánh mức độ tham gia của quan hệ ruộng đất vào cơ chế thị trường.

 

- Sự phát triển kinh tế hộ ở nông thôn dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, phi nông nghiệp hóa có vai trò quyết định đến phát triển nền nông nghiệp hàng hoá cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Quá trình này vừa tác động trực tiếp vừa tác động gián tiếp đến quá trình vận động của kinh tế hộ nông dân và quan hệ ruộng đất ở nông thôn (lấy đất nông nghiệp, nông thôn để xây dựng đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ, các công trình công nghiệp, văn hoá, xã hội, các công trình giao thông, khu dân cư; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phương thức canh tác đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, ven thị, ven đường giao thông; quá trình đô thị hóa...).

Các quá trình trên tác động tới sự thay đổi số lượng, cơ cấu, loại hình ĐVKTHGĐ trong nông nghiệp, với xu hướng chung là giảm số lượng hộ nông dân, số lượng hộ tham gia vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các trình độ và quy mô khác nhau tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các hình thức HTX. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nước ta được tổ chức theo 3 hình thức sản xuất chủ yếu, bao gồm: Hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 1,82% so với năm 2016. Trong đó, 9.108.129 hộ sản xuất, giảm 1,86%; 7.418 hợp tác xã, tăng 6,80%; 7.471 doanh nghiệp, tăng 94,25%. Quy mô sản xuất của hộ được mở rộng, đặc biệt là quy mô trang trại. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1 m2 lên 2.026,3m2. Mô hình tổ chức sản xuất có tỷ suất và giá trị hàng hóa cao của hộ là trang trại. Tại thời điểm 01/7/2020, cả nước có 20.611 trang trại; bao gồm: 5.910 trang trại trồng trọt, chiếm 28,67% tổng số trang trại; 11.688 trang trại chăn nuôi, chiếm 56,71%; 2.782 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 13,50%; 139 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,67% và 53 trang trại tổng hợp, chiếm 0,26%. Ngoài ra còn có 39 trang trại sản xuất muối, chiếm 0,19%.

 

Do tốc độ tăng dân số, do quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa chưa “hút” được mạnh lao động ra khỏi nông thôn, nông nghiệp, nên số hộ và và dân số ở nông thôn, làm nông nghiệp vấn còn lớn. Theo Tổng cục Thống kê, số hộ nông thôn cả nước tại thời điểm 1/7/2011 là 15,35 triệu hộ (riêng hộ nông lâm thủy sản là 10,36 triệu hộ, tăng 1,58 triệu hộ so với năm 2006; số hộ sử dụng đất nông nghiệp là 11,95 triệu, tăng 2,5% so với năm 2006. Theo điều tra đến 1- 7 - 2016 cả nước có 15,99 triệu hộ nông thôn (so với năm 2011 là 15,35 triệu hộ); số  hộ sản xuất nông lâm thủy sản có tuy có giảm 1,86%, nhưng vẫn còn rất lớn - 9.108.129 hộ. Do đó tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong nông nghiệp vẫn còn phổ biến. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới và vẫn tiếp tục giảm: chỉ 0,25 ha, trong khi bình quân trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha. Trong gần 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, có khoảng 80% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 1 ha; số hộ nông dân có qui mô ruộng đất trên 3 ha chỉ chiếm khoảng 5%. Trong những năm gần đây, quá trình dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh. Tính đến 01/7/2016, cả nước có 2.294 xã tiến hành dồn điền đổi thửa, chiếm 25,6% tổng số xã[1]. Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương.

 

Tuy nhiên, do diện tích canh tác của nhiều hộ quá nhỏ, từng hộ không có đủ điều kiện (và cũng không có hiệu quả) khi phải trang bị đủ các công cụ cần thiết cho sản xuất, nhất là theo mùa vụ. Vì vậy, ở nhiều nơi, các hộ nông dân “canh tác” theo kiểu đi thuê lao động làm ở hầu hết các khâu, dẫn đến hiệu quả thấp. Vấn đề các hộ nông dân “làm ruộng” theo kiểu đi thuê hầu hết các khâu đang là một biến thái đáng quan ngại (nó khác biệt nghề nông trên thế giới), cần phải được nghiên cứu kỹ và có giải pháp phù hợp.

 

Hơn nữa, trình độ sản xuất kinh doanh và tư duy kinh tế của tuyệt đại đa số nông dân còn đang ở trạng thái sản xuất hàng hóa nhỏ (trừ ở một số vùng như đồng bằng Sông Cửu long…), kỹ thuật và kinh nghiệp canh tác còn mang nặng tính truyền thống, sản xuất hàng hóa chất lượng thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường, nhất là sản xuất hàng hóa lớn chất lượng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi tri thức về khoa học - công nghệ tiên tiến

Nhìn chung quá trình tích tụ - tập chung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa còn rất chậm, sản xuất vẫn chủ yếu ở dạng manh mún, nhỏ lẻ của từng hộ; tình trạng bỏ ruộng, trả lại ruộng, không canh tác, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, bán đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp sai pháp luật, đã và đang diễn ra ở không ít nơi[2], nhất là ở vùng đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bộ; cho thấy nhu cầu khách quan, bức thiết về sự liên kết các hộ nông dân với nhau trong sản xuất kinh doanh; mặt khác, cho thấy đang bộc lộ nhiều hạn chế về thể chế phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có thể chế về sự phát triển kinh tế hộ nông dân, thể chế về sự vận động của quan hệ ruộng đất trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, thể chế phát triển kinh tế hợp tác, HTX, thể chế liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ở các vùng; cần được tháo gỡ.

 

 

2. Thực trạng phát triển HTX trong nông nghiệp

Sau thời gian HTX - tập thể hóa (1958 -1989) tồn tại, khủng hoảng rồi đi đến tan rã, giải thể; sau Khoán 10 và Luật đất đai 1993, khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, phong trào HTX bị suy thoái do chưa xác định được rõ phương hướng và mô hình đổi mới. Từ khi ban hành Luật HTX mới 2013, và nhất là dưới tác động của quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và hội nhập quốc tế, quá trình đổi mới và phát triển các HTX theo mô hình mới trong nông nghiệp có bước phát triển tích cực. Tính đến 31/12/2021, cả nước có khoảng 18.327 HTX nông nghiệp và 79 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Như vậy, sau 10 năm thực hiện Luật HTX, số lượng HTXNN cả nước tăng khoảng 7.917 HTX. Chất lượng và hiệu hoạt động của các HTXNN cũng đã được cải thiện. Tỷ lệ các HTX NN được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (hết năm 2016) và trên 60% năm 2020. Số lượng Tổ hợp tác (THT) lại giám đi. Đến năm 2021, cả nước có 34.871 THT nông nghiệp (giảm hơn một nửa so với năm 2001); nhiều THT hoạt động hiệu quả đã phát triển lên thành các HTX. Sự phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp hàng hóa là một bước tiến quan trọng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong 10 năm qua, HTX đã có những tiến bộ cả về lượng và chất; đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Trong thực tiễn, ngày càng xuất hiện nhiều và đa dạng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đang bộc lộ những yếu kém, bất cập sau:

 

- Số lượng HTX còn ít, số hộ gia đình và cá nhân tham gia HTX còn ít: Đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 3,23 triệu thành viên (giảm khoảng 1,87 triệu thành viên so với năm 2013) so với gần 10 triệu hộ nông dân[3]. Tổng số thành viên trong các THT là 628 nghìn người (giảm 237 nghìn người so với năm 2001). Kết quả này đạt được chậm 10 so với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 13 của Trung ương 5 (khóa IX).

- Tuy số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô đất đai, quy mô sản xuất và doanh thu của các HTX nông nghiệp có tăng lên nhưng còn nhỏ bé[4]. Các HTX mới chủ yếu liên kết ngang giữa các hộ nông dân với nhau ở các khâu sản xuất; các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt khoảng 24% tổng số HTX[5]. Còn nếu tính tổng thể số hộ nông dân có hợp đồng bao tiêu sản phấm với các HTX và các doanh nghiệp mới chỉ khoảng 10%.

 

- Số lượng các HTX, liên hiệp HTX lớn liên kết theo vùng, theo ngành hàng, bao quát tất cả các khâu từ sản xuất của các hộ nông dân, cung ứng dịch vụ, đến thu mua, bảo quản, chế biến, đưa ra thị trường còn rất hiếm.

 

- Về đất đai: ngoài khó khăn trong việc tích tụ, tập trung, cải tạo ruộng đất ở những quy mô thích hợp, hiệu quả cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn; các HTX còn gặp khó khăn trong việc sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, nhà xưởng, kho, cơ sở chế biến, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…của các HTX (vì trong luật đất đai chưa có những quy định cụ thể).

 

3. Thực trạng phát triển các hình thức liên kết sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp

Cùng với sự phát triển của kinh tế Hộ nông dân, phát triển các HTX, phát triển các loại hình doanh nghiệp trong nông nghiệp, sự phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quá trình liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp giữa các chủ thể cũng đã có bước phát triển tích cực, với đa dạng các hình thức và cấp độ:

 

- Quá trình “liên kết ngang” giữa các hộ nông dân hình thành các Tổ hợp tác, Nhóm sản xuất, các HTX tự nguyện kiểu mới được đẩy mạnh hơn.

 

- Xuất hiện ngày càng nhiều hơn loại hình liên kết dọc giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với hộ nông dân, HTX ở những cấp độ khác nhau (liên kết bao tiêu sán phẩm; Liên kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng có sự hỗ trợ đầu tư về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật; Liên kết bao tiêu sản phẩm có sự hỗ trợ đầu tư hình thành vùng nguyên liệu và hỗ trợ về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật…).

 

- Về mức độ liên kết trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro hiện nay đang thực hiện hai loại chủ yếu: Liên kết theo các hợp đồng không có sự chia sẻ về lợi ích và rủi ro (đây là hình thức liên kết theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” hiện đang chiếm đa số tuyệt đối các liên kết, kể cả trong lĩnh vực thu mua lúa gạo); Liên kết có sự chia sẻ về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi đặc thù của nền nông nghiệp, có hiệu quả cao và bền vững. 

 

- Liên kết cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất (như cung cấp giống, phân bón, bảo vệ thực vật…); cung cấp các dịch vụ về khoa học - công nghệ.

 

- Liên kết góp vốn sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp…

 

Thực tiễn cho thấy quả trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang tăng lên (tuy có chậm và có nơi còn mang tính tự phát), góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triền nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững, mang lại lợi ích cao hơn cho các hộ nông dân và các chủ thể liên kết. Đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung lớn gắn với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Tỷ lệ sản sản lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng tăng lên. Đó là xu thế tích cực cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít (mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trong cả nước), số lượng HTX cũng còn nhỏ bé; hơn nữa thể chế liên kết còn nhiều bất cập; nên mức độ liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn nhỏ bé về quy mô, phạm vi và thấp về trình độ; nhìn chung chưa bền vững.

Lợi thế đầu tư và phát triển nông nghiệp theo bề rộng ngày càng suy giảm manh… Điều đó cho thấy cần phải có những giải pháp đồng bộ để chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với tích tụ tập trung ruộng đất bằng các giải pháp hợp lý và hiệu quả trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, thông qua nâng cao trạng thái và trình độ của kinh tế hộ nông dân trong các mối liên kết “ngang - dọc” với các chủ thể khác.

 

 

4. Một số định hướng phát triển chủ yếu

Để thúc đẩy phát triển các HTX và các hình thức liên kết trong nông nghiệp cần phải thực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ở đây chỉ xin nêu một số vấn đề chủ yếu sau:

 

(1) - Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển các hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao

 Hộ nông dân là đơn vị kinh tế cơ sở nền tảng của sự phát triển các HTX và các hình thực liên kết với các doanh nghiệp. Thực tiễn kinh tế hộ nông dân ở nước ta đặt ra nhiệm vụ phải nâng cao trạng thái và trình độ của kinh tế hộ nông dân phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, đảm bảo gắn nâng cao mức sống với phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình phát triển - phân công - phân hóa kinh tế hộ nông dân phù hợp và hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay nước ta vẫn còn khoảng gần 70% dân số ở nông thôn và gần 60% lao động trong nông nghiệp. Với khoảng 10 triệu hộ nông dân và gần 70% lao động nông thôn. Sự cất cánh mạnh chỉ có thể đạt được nếu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (bao gồm cả công nghiệp hóa, dịch vụ hóa nông thôn), thúc đẩy sự phân công lao động, phân tầng, phân hóa, chuyên môn hóa, chuyên canh hóa, đi vào sản xuất hàng hóa ở quy mô ngày càng lớn hơn của các hộ nông dân, nhằm rút bớt lao động và giảm số hộ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Đó cũng là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - kinh tế nông thôn, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa.

Hiện nay trình độ của gần 10 triệu kinh tế hộ nông dân rất khác nhau, cần nhận thức rõ sự tồn tại khách quan một “phổ” rộng các loại trình độ kinh tế hộ khác nhau. Định hướng phát triển và giải pháp nâng cao trình độ kinh tế hộ nông dân cho những nhóm này có sự khác nhau, có thể chia làm 3 nhóm chủ yếu sau:

 

- Nhóm thứ nhất, là hàng triệu hộ đang còn ở trình độ sản xuất tự nhiên, tự cung tự cấp là chủ yếu (ở những vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) sản xuất lương thực để đảm bảo độ “an toàn” cho kinh tế hộ vẫn còn là mục tiêu hàng đầu nhưng cũng rất khó khăn. Đối với nhóm hộ này định hướng phát triển và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo mức sống tối thiểu và vươn lên thoát nghèo bền vững. Giải pháp trọng tâm là nâng cao trình độ kinh tế hộ - nâng cao năng lực nội sinh – năng lực sản xuất kinh doanh của hộ nông dân. Một mặt tiếp tục thực hiện hỗ trợ để nâng cao mức sống, nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện các giải pháp đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, phát triển sinh kế (thậm chí đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi phải cụ thể tới mức “cầm tay chỉ việc” trong một thời gian nào đó), gắn với hỗ trợ phát triển điều kiện sản xuất (vốn ưu đãi, giải quyết đất sản xuất, xây dựng các công trình thủy lợi…). Ở những nơi có điều kiện thuận lợi (về đất đai, nước…) có thể hướng dẫn hộ nông dân đi vào sản xuất hàng hóa với sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, của cộng đồng, hoặc các đơn vị kinh doanh khác trực tiếp đầu tư gắn với sản xuất của hộ nông dân, bao tiêu sản phẩm cho nông dân (như các hộ tham gia trồng cao su, cà phê ở một số tỉnh Tây bắc. Đối với những vùng này, Nhà nước có thể phải trực tiếp điều tiết lương thực và các nhu yếu phẩm khác trong một giai đoạn nào đó.

 

- Nhóm thứ hai là các hộ đang ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp gắn với sản xuất hàng hóa nhỏ; nhóm này chiếm tỷ trọng lớn nhất (chủ yếu ở những vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Trung bộ…). Đối với nhóm hộ này, định hướng phát triển là nâng cao trình độ và trạng thái kinh tế hộ, tạo điều kiện để hộ nông dân vượt qua ngưỡng tái sản xuất giản đơn, sản xuất nhỏ để đi vào sản xuất hàng hóa ở trình độ cao hơn thông qua quá trình chuyển một số hộ (lao động) sang phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, rút bớt số hộ làm nông nghiệp, tăng quy mô canh tác của hộ. Đây là một quá trình lâu dài và không đơn giản, nhất là đối với những vùng đất chật người đông, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển mạnh, lại thêm tâm lý “không muốn bán ruộng” của hộ nông dân (như ở vùng đồng bằng sông Hồng). Đối với những vùng này, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, cần thực hiện các giải pháp phù hợp để tích tụ - tập trung ruộng đất tới quy mô cần thiết cho phát triển nông nghiệp hàng hóa (như dồn điền đổi thửa, hình thành các “cánh đồng mẫu lớn”, góp vốn bằng ruộng đất, “ủy thác canh tác”, cho thuê, sang nhượng hẳn ruộng đất…). Đồng thời, cần thực hiện các chương trình và giải pháp đào tạo kiến thức và kỹ năng sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường cho các hộ nông dân. Tổ chức hệ thống dịch vụ đầu vào - đầu ra và tiêu thụ nông sản cho nông dân, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các mô hình HTX và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp với trình độ và quy mô sản xuất hàng hóa. Ở những nơi có điều kiện thuận lợi và thị trường tương đồi ổn định có thể hỗ trợ các hộ nông dân tham gia vào các chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao

 

- Nhóm thứ ba là các hộ nông dân đã đi vào sản xuất hàng hóa ở những quy mô khác nhau; nhóm này đang ngày càng tăng lên, nhưng hiện còn chiếm tỷ trọng nhỏ, theo ước tính chỉ khoảng 10 - 15 % tổng số hộ nông dân cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số địa phương sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã phát triển tương đối cao. Đối với nhóm hộ thứ ba này, định hướng đặt ra là tiếp tục nâng cao quy mô, hiệu quả và chất lượng sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa, hình thành các vùng chuyên sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao, tham gia vào các chuỗi sản xuất trong nước và chuỗi gia trị toàn cầu. Đối với những hộ này cần có các chính sách và các chương trình đào tạo để trang bị kiến thức, kỹ năng và quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến, khả năng ứng dụng vào sản xuất các giống cây con mới, chất lượng cao, nâng cao năg lực tiếp cận thị trường. Nhà nước hoàn thiện các cơ chế chính sách,  hướng dẫn và hỗ trợ đẩy mạnh hình thành các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh “ngang - dọc” giữa các đơn vị chế biến, đơn vị cung cấp dịch vụ KH-CN và các dịch vụ khác, các doanh nghiệp thương mại… gắn với các hộ nông dân, nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định và bền vững. Triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, nhất là công nghệ cao và cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần đặc biệt quan tâm xây dựng các chương trình, hình thức, cơ chế phù hợp để đào tạo các “chủ hộ nông dân thế hệ mới” với các kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

(2) - Đẩy mạnh đổi mới và phát triển đa dạng các hình thức HTX theo “cả chiều ngang và chiều dọc”, có thể theo khu vực, có thể theo ngành hàng, có thể theo chuỗi sản xuất kinh doanh.

  

Về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cần quán triệt các nhận thức sau: (i) - Đổi mới và phát triển các mô hình HTX cần được đặt trong định hướng chung chuyển mạnh thể chể phát triển nông nghiệp từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang thể chế phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo chiều sâu, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, từng sản phẩm; gắn với việc hình thành các liên kết sản xuất kinh doanh có hiệu quả và bền vững giữa các hộ nông dân trong các HTX với các doanh nghiệp, theo hướng có sự liên kết về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro; (ii) - Đổi mới và phát triển HTX trong nông nghiệp phải lấy đơn vị kinh tế hộ nông dân làm đơn vị cơ sở, hình thành các mô hình HTX phù hợp với điều kiện đa dạng, đa tầng của trình độ kinh tế hộ nông dân và điều kiện đặc thù của mỗi vùng, ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; (iii) - Đẩy mạnh đổi mới và phát triển đa dạng các hình thức HTX theo “cả chiều ngang và chiều dọc”, có thể theo khu vực, có thể theo ngành hàng, có thể theo chuỗi sản xuất kinh doanh, với những quy mô khác nhau; tạo sự liên kết bền vững với các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu liên kết của các hộ nông dân trong quá trình đi vào sản xuất hàng hóa hiện đại, hội nhập. Trình độ sản xuất hàng hóa của hộ nông dân càng cao càng có nhu cầu phải hợp tác - liên kết với nhau trong các HTX và với các doanh nghiệp. Trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX.

 Việc tiếp tục đổi mới các HTX hiện có cũng như thành lập các HTX mới cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Dân chủ, tự nguyện, bình đẳng, công khai, minh bạch.

 

- Xuất phát từ các nội dung sản xuất kinh doanh mà các hộ cần hợp tác, liên kết với nhau; mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các hộ xã viên.

 

- Đối với “bên ngoài”, HTX hoạt động theo cơ chế thị trường; Đối với “bên trong” - tức đối với các hộ xã viên (hay trong hệ thống liên các HTX), HTX không hoạt động theo cơ chế bao cấp, nhưng cũng không lấy các hộ xã viên làm đối tượng kinh doanh theo cơ chế vì lợi nhuận, mà cung cấp các dịch vụ cho các hộ xã viên có thể có những ưu đãi cao hơn.

 

- HTX với các quy mô tương đối lớn cần được tổ chức tách biệt Ban quản trị - là tổ chức quản trị cao nhất của HTX (gồm những xã viên giỏi có tín nhiệm cao được Đại hôi xã viên bầu vào theo nhiệm kỳ) và bộ máy quản lý HTX - Ban quản lý (gồm những người giỏi quản lý, có thể là thuê) có nhiệm vụ điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX theo định hướng phát triển và nghị quyết của Ban quản trị. Ban quản lý hoạt động theo luật pháp và theo trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và lợi ích mà Ban quản trị HTX đã “Hợp đồng” với Ban quản lý.

 

- Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của các thành viên HTX do Đại hội xã viên quyết định.

 

- HTX được Nhà nước bảo trợ và hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi.

 

Trên thực tế ở nước ta, do trình độ kinh tế hộ nông dân và trình độ phát triển nền nông nghiệp hàng hóa ở các vùng, các lĩnh vực còn rất khác nhau nên rất cần lựa chọn hình thức và quy mô HTX thích hợp và hiệu quả, mà nguyên tắc cao nhất là phải mang lại lợi ích thiết thực cho hộ nông dân, được nông dân cấp nhận. Định hướng đổi mới và phát triển HTX đối với ba nhóm hộ nêu ở trên có thể nêu khái quát như sau:

Đối với nhóm hộ thứ nhất, do trình độ kinh tế hộ nông dân còn thấp, sản xuất chủ yếu còn ở trình độ tự nhiên và tự cung tự cấp, do đó cần hình thành các hình thức hợp tác giản đơn, các tổ hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các hộ ở những khâu nhất định với sự giúp đỡ của nhà nước.

 

Đối với nhóm hộ thứ hai, tương ứng với trình độ sản xuất tự cung tự cấp và hàng hóa nhỏ thì hình thức hợp tác thích ứng hơn cả là HTX dịch vụ tổng hợp của các hộ nông dân; các hộ nông dân có thể góp vốn ruộng đất với nhau để hình thành HTX cổ phần sản xuất nông sản hàng hóa.

 

Đối với nhóm hộ thứ ba, trình độ kinh tế của hộ đã đi vào sản xuất hàng hóa, thì các hình thức HTX chủ yếu là liên kết và cung cấp các dịch vụ “đầu vào và đầu ra” phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa của hộ hiệu quả và bền vững hơn. Nội dung cụ thể của các HTX sẽ khác nhau giữa các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi…). Khi nhiều hộ nông dân đi vào sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn trong một vùng, rất cần khuyến khích và tạo điều kiện để thành lập và phát triển các HTX liên kết theo ngành dọc, thành lập các doanh nghiệp trong HTX (từ sản xuất đến chế biến và ra đến thị trường…) của các hộ nông dân, hoặc các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh khác có sự liên kết về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể tham gia.

Nhà nước cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện Luật hợp tác xã, hoàn thiện thể chế liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp; xây dựng các chương trình, hình thức, cơ chế phù hợp để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX kiểu mới với các kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

(3). - Hoàn thiện thể chế đất đai để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nông dân, HTX và các hình thức liên kết trong nông nghiệp

Từ điều kiện và thực tiễn trình độ phát triển kinh tế hộ, trình độ phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở các vùng khác nhau, cần hoàn thiên thể chế để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các hình thức (hướng) chủ yếu sau:

(i) - Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau trong các hình thức HTX thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đây là hình thức các hộ nông dân vẫn có quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất riêng biệt; nhưng thống nhất với nhau (liên kết với nhau) ở những cấp độ khác nhau, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn (như lúa, hoa quả, rau, cá…), có sự liên kết đầu tư, đảm bảo các dịch vụ đầu vào - đầu ra.

 

(ii) - Tích tụ ruộng đất cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa giỏi (trang trại sản xuất hàng hóa lớn) với các quy mô khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ở hình thức này, quyền sở hữu (sử dụng) ruộng đất được chuyển cho các hộ nông dân sản xuất giỏi thông qua quá trình mua bán, sang nhượng, hay thuê quyền sử dụng ruộng đất.

 

(iii) - Các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hành hóa lớn. Trong mô hình này quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất (mục đích sản xuất) đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Trong mô hình này cũng có các cấp độ liên kết khác nhau giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân : Cấp độ thấp nhất là doanh nghiệp hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân để sản xuất, tiêu thụ một loại nông sản nào đó theo từng mùa vụ; cấp độ cao hơn là các hộ nông dân sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp; cao hơn nữa là các doanh nghiệp có sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho các hộ nông dân và bao tiêu sản phẩm; cao hơn nữa là doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất với các hộ nông dân có sự hỗ trợ đầu tư, chia sẻ rủi ro và phân chia lợi ích hợp ích hợp lý giữa các bên. Trong quá phát triển, mô hình tập trung ruộng đất này thường có sự tham gia của một chủ thể quan trọng nữa là các HTX. Các HTX là cầu nối hữu cơ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp.   

 

(iv) - Tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Đây là hình thức tích tụ ruộng đất vào các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua việc thuê hoặc mua lại đất nông nghiệp (hay quyền sử dụng đất). Hình thức này không chỉ đòi hỏi điều kiện ruộng đất thuận tiện cho quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào loại sản phẩm hàng hóa nông sản có thể sản xuất được trên đất đó một cách liên tục để đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh theo phương thức doanh nghiệp (ví dụ như chăn nuôi bò sữa quy mô lớn…). Hình thức này sẽ khó (không) phù hợp với sản xuất những loại sản phẩm có tính mùa vụ dài ngày (không liên tục) mà lại sử dụng lao động làm thuê theo phương thức tư bản, vì sẽ không có hiệu quả (khó có doanh nghiệp nào mua hay thuê ruộng đất chỉ để sản xuất lúa mà đảm bảo có lãi).

 

Mỗi hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nêu trên có những ưu thế và hạn chế khác nhau trong những điều kiện ruộng đất, quy mô ruộng đất, trình độ nền sản xuất và loại hình nông sản khác nhau. Do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của thế giới và tình hình thực tế đang thay đổi của Việt Nam, có thể thấy hiện nay hình thức phổ biến nhất sẽ là các hộ nông dân sản xuất hàng hóa này liên kết ruộng đất với nhau (tập trung ruộng đất) trong các HTX để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và liên kết với các doanh nghiệp; đồng thời từng bước tích tụ ruộng đất để hình thành các hộ nông dân sản xuất hàng hóa lớn (trang trại). Còn hình thức tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ phát triển có hiệu quả trong một số lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp phù hợp.

 

Vấn đề không chỉ tích tụ, tập trung ruộng đất ở quy mô lớn là có nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại; mà điều rất quan trọng là phương thức, mô hình và trình độ sản xuất của nền nông nghiệp đó. Điều này cũng cho thấy quy mô sở hữu (sử dụng) ruộng đất lớn của các hộ nông dân hay của doanh nghiệp chưa phải là yếu tố quyết định chủ yếu để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn; nhất là trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang cho thấy xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít đất, thậm chí không cần đất.

 

Để thực hiện có hiệu quả các xu hướng phát triển trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất đai, chế định rõ đó là quyền tài sản để cho các hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai đối với các loại hình HTX, đề các HTX phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cho phát triển hiệu quả, bền vững.

 

-  Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất trung và dài hạn để phát triển các vùng và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản chất lượng cao theo quan điểm thị trường.

 

- Phải xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ - tập trung ruộng đất. Tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách, thể chế thị trường về đất đai (ruộng đất) để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.

 

- Đẩy mạnh đổi mới và phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao làm cơ sở cho sự liên kết phát triển kinh tế hộ nông dân và các HTX trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Doanh nghiệp phải là chủ thể trung tâm kết nối với các hộ nông dân, các HTX và với thị trường trong nền nông nghiệp hiện đại.

 

- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, gắn với xây dựng, phát triển và hoàn thiện và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh giữa các hộ nông dân trong các HTX, với các doanh nghiệp và với các chủ thể khác; có sự chia sẻ cả về trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích và rủi ro giữa các hộ nông dân với các HTX, các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, làm nền tảng cho việ sử dụng đất và các tài nguyên khác tiết kiện, hiệu quả, cho sự phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững.

 

Cùng với việc hoàn thiện và thực hiện các chính sách, giải pháp nêu trên, cần phải xây dựng và hoàn thiện nhiều chính sách liên quan khác, như chính sách đầu tư, chính sách phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội…đồng bộ trong thể chế phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân, xây dựng nông thôn mới./.

(hết)

 

 PGS.TS Trần Quốc Toản

Nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương



  [1] Nhờ dồn điền đổi thửa nên diện tích bình quân một thửa đất sản xuất nông nghiệp tính chung cả nước đã tăng từ 1.619,7 m2 năm 2011 lên 1.843,1 m2 năm 2016. Năm 2016, số thửa bình quân một hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 2,5 thửa, giảm 0,3 thửa so với năm 2011. Dồn điền đổi thửa được tiến hành mạnh mẽ đối với đất trồng lúa nên số thửa bình quân một hộ trồng lứa tính chung cả nước năm 2016 chỉ còn 2,5 thửa, giảm 0,5 thửa/hộ so với năm 2011; diện tích bình quân một thửa đạt 1.401,5 m2, tăng 20,8%.

     [2] Trong giai đoạn 10 năm, 2006-2016, số hộ không trực tiếp sử dụng đất tăng từ 18,23% lên 21,38%.

[3] Trung bình 1 HTXNN có 176 thành viên. Số lượng thành viên giảm do các HTX giải thể đa số là các HTX kiểu cũ, đông thành viên, trong khi các HTX mới thành lập quy mô thành viên ít. Vì vậy, trong giai đoạn 2013-2021, mặc dù thành viên HTX bị giảm đi về số lượng, nhưng chất lượng thành viên được nâng cao (họ thực sự có nhu cầu hợp tác). Tổng số lao động thường xuyên trong HTXNN khoảng 550 nghìn người (tăng 94 nghìn lao động so với năm 2002 và tăng 143 nghìn người so với năm 2013). Trong đó, lao động là thành viên HTX khoảng 259 nghìn người, chiếm tỷ lệ 47%.

[4] Tổng vốn hoạt động của các HTXNN hiện nay khoảng 29.425 tỷ đồng, bình quân/HTX là 1,61 tỷ đồng (tăng khoảng 800 triệu đồng/HTX so với năm 2013). Năm 2020, doanh thu bình quân/HTX đạt 2,44 tỷ đồng/năm (tăng gấp 5,64 lần so với năm 2001 và tăng 3,35 lần so với năm 2011); Số lao động bình quân 1 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 là 10,47 lao động, bằng 80,54% năm 2015. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm (gấp 9,1 lần so với năm 2001). Doanh thu bình quân một THT là 143 triệu đồng/năm (tăng 136 triệu đồng so với năm 2001).

[5] Đến nay cả nước có 2.297 HTXNN đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng bằng 13% và 12% tổng số HTXNN cả nước.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết