Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản là nước bại trận và bị tàn phá nặng nề. Mặc dù vậy, chưa đầy 3 thập kỷ sau đó, Nhật Bản đã nhanh chóng hồi phục và có những bước phát triển “thần kỳ” để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong gần 3 thập kỷ gần đây, sự phát triển của kinh tế Nhật Bản có chững lại, song vẫn duy trì vị trí của một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thành công của Nhật Bản được cho là từ cách thức tổ chức, vận hành bộ máy của hệ thống chính trị khá tinh gọn, được cải cách thường xuyên. Vậy mô hình bộ máy tổ chức hệ thống chính trị của Nhật Bản là gì, quá trình cải cách bộ máy của hệ thống này diễn ra như thế nào và chúng có những đặc điểm gì là nội dung chính của tham luận.Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
1. Khái quát về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Nhật Bản và những đặc trưng chủ yếu
1.1. Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Hệ thống chính trị Nhật Bản hiện tại là một cấu trúc được định hình từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai trong bối cảnh Nhật Bản bại trận và chịu sự chiếm đóng của quân đội Mỹ dưới danh nghĩa đại diện cho lực lượng Đồng Minh từ 9/1945 đến 4/1952. Đây chính là giai đoạn toàn bộ bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị Nhật Bản được cơ cấu, xắp xếp lại, chuyển đổi từ mô hình nhà nước quân phiệt sang mô hình chính quyền dân chủ. Hiến pháp Nhật Bản có hiệu lực từ năm 1947 cho đến nay chính là văn bản được soạn thảo theo sự chỉ đạo của lực lượng chiếm đóng Mỹ với mục tiêu ngăn chặn sự phục hồi của chủ nghĩa quân phiệt, từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh và cấm duy trì các lực lượng vũ trang (Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản).
Mô hình thế chế chính trị Nhật Bản hiện tại dựa trên chế độ lưỡng viện đa đảng.Quyền lực chính trị bao gồm quyền lập pháp, quyền hành chính và quyền tư pháp là độc lập với nhau. Măc dù Nhật Bản vẫn giữ chế độ Thiên hoàng, nhưng Thiên hoàng Nhật Bản chỉ có địa vị tượng trưng cho đất nước Nhật Bản và sự thống nhất của nhân dân Nhật Bản[1]; Thiên hoàng không can dự vào công việc chính trị của đất nước[2].
Cơ quan lập pháp của Nhật Bản là Quốc hội (国会) gồm Chúng nghị viện (衆議院) còn gọi tắt là Chúng viện hay Hạ viện và Tham nghị viện (参議院) còn gọi là Tham viện hay Thượng viện.
Hạ viện Nhật Bản hiện tại có 465 nghị sĩ[3], có nhiệm kỳ bốn năm. Mặc dù vậy, hiếm khi Hạ viện được bầu ra tồn tại hết 4 năm do thường bị giải thể trước nhiệm kỳ (trung bình thực tế nhiệm kỳ của Hạ viện là hai năm rưỡi). Trong số 465 ghế của Hạ viện, có 289 nghị sĩ được bầu từ các khu vực bầu cử nhỏ[4] và 176 người khác được đại diện theo tỉ lệ[5]. Các ứng cử viên bầu vào Hạ viện phải ít nhất 25 tuổi. Các cử tri trước đây đã phải ít nhất 20 tuổi nhưng từ năm 2016, tuổi bầu cử đã giảm xuống còn 18; do vậy, so với trước đây, lượng cử tri Nhật Bản tăng thêm khoảng 2,4 triệu người.
Thượng viện Nhật Bản có 242 nghị sĩ; các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm.Để duy trì tính liên tục của Thượng viện, cứ 3 năm lại có một nửa số thành viên phải bầu lại. Trong số 121 thành viên được bầu mỗi lần, 73 người được bầu từ 47 quận theo phương thức bỏ phiếu bầu trực tiếp và 48 người được bầu từ danh sách toàn quốc theo đại diện theo tỷ lệ. Yếu tố đại diện theo tỷ lệ này đã được đưa ra từ năm 1982 trong nỗ lực chống lại sự thao túng của đồng tiền trong các chiến dịch bầu cử. Các ứng cử viên để bầu vào Thượng viện phải ít nhất 30 tuổi.Thượng viên không bị giải thể như Hạ viện.Cuộc bầu Thượng viện gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2019.
Quốc hội Nhật Bản có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, thông thường là đại biểu của chính đảng hoặc liên minh chính đảng thắng cử.Thủ tướng có quyền giải tán Hạ viện.Mặt khác, Hạ viện có quyền giải tán Nội các bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc từ chối bỏ phiếu tín nhiệm Nội các.Nếu Hạ viện thông qua nghị quyết không tín nhiệm hoặc từ chối bỏ phiếu tín nhiệm Nội các thì toàn bộ Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải từ chức.
Trong quan hệ giữa hai viện của Quốc hội Nhật Bản, Hạ viện có ưu thế hơn Thượng viện.Trong trường hợp các quyết định được đưa ra quốc hội mà không đạt được sự thống nhất ý kiến giữa hai viện thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hạ viện.Theo quy định, mỗi công dân Nhật Bản chỉ được làm nghị sĩ của một trong hai viện.
Trong Nội các Nhật Bản (内閣) đứng đầu là Thủ tướng (総理大臣); giúp việc cho Thủ tướng là các Bộ trưởng (大臣 ). Theo Hiến pháp Nhật Bản, Thủ tướng do Quốc hội bổ nhiệm, các Bộ trưởng được Thủ tướng lựa chọn và bổ nhiệm. Phần lớn thành viên của Nội các, bao gồm cả Thủ tướng phải là đại biểu của một trong hai viện Quốc hội. Theo Luật Nội các năm 2001, số lượng Bộ trưởng không được quá 14 người, tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, vẫn có thể lên đến 17 người. Nếu Nội các buộc phải từ chức tập thể, nó vẫn phải điều hành công việc cho đến khi có một Thủ tướng mới được bổ nhiệm. Ông Shinzo Abe của Đảng Dân chủ Tự do hiện đang giữ chức Thủ tướng, một vị trí mà ông từng giữ trước đó vào năm 2006-2007 và hiện ông đã nắm giữ từ năm 2012. Ông là Thủ tướng thứ bảy của Nhật Bản từng tại vị được sáu năm, nhưng ông dường như sẽ có được vị trí lâu nhất với tư cách Thủ tướng tại Nhật Bản sau chiến tranh.
Chánh án Tòa án Tối cao được Thiên hoàng bổ nhiệm theo lựa chọn của Nội các. Mười bốn thẩm phán khác được Nội các lựa chọn và bổ nhiệm. Cứ sau 10 năm, nhiệm kỳ của một thẩm phán phải được xác nhận bằng trưng cầu dân ý. Trong thực tế, các thẩm phán hầu như luôn được chọn lại và được phép phục vụ cho đến khi 70 tuổi.
Mặc dù là chế độ đa đảng nhưng trên thực tế, hệ thống chính trị Nhật Bản đã tồn tại theo cách thức chưa được biết đến trong các nền dân chủ ở Châu Âu và Bắc Mỹ, đó là sự thống trị của một đảng – Đảng Dân chủ Tự do (自民党/LDP). Kể từ khi thành lập vào năm 1955, LDP đã gần như liên tục nắm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị Nhật Bản, ngoại trừ một chính phủ liên minh tồn tại trong một thời gian ngắn gần 11 tháng vào năm 1993 và trong giai đoạn 3 năm từ tháng 8 năm 2009 đến tháng 12 năm 2012. Trong cuộc bầu cử của tháng 12 năm 2012, LDP đã trở lại nắm quyền điều hành đất nước với 294 ghế trong Hạ viện. LDP đã nắm lại quyền lãnh đạo vào năm 2014 và một lần nữa vào năm 2017 - lần này với 284 ghế.Thủ tướng Shinzō Abe đồng thời cũng là Chủ tịch đảng LDP.
Một đảng quan trọng khác là Đảng Công Minh (Kōmeitō/公明党) - theo truyền thống là đồng minh với Đảng Dân chủ Tự do. Đó là một đảng bảo thủ theo tư tưởng Phật giáo. Trong cuộc bầu cử năm 2017, Đảng Công Minh giành được 29 ghế. Điều này có nghĩa là LDP và Kōmeitō đã kết hợp chiếm đa số phiếu bầu ở Hạ viện (313 ghế).
Sau cuộc bầu cử gần đây nhất vào tháng 10 năm 2017, hai đảng chính trị mới tạo thành cơ sở của phe đối lập gồm có:
Đảng Dân chủ(民主党, Minshutō, DPJ) giành được 55 ghế. Đây là một đảng trung tâm do Yukio Edano lãnh đạo. Đảng này được thành lập từ sự chia rẽ trung tâm từ Đảng Dân chủ đối lập trước đó trong cuộc bầu cử tới năm 2017.
Đảng của hy vọng ((希望の党, Kibō no Tō) giành được 50 ghế. Đây là một đảng bảo thủ ở Nhật Bản được thành lập và lãnh đạo bởi Thống đốc Tokyo Yuriko Koike.Đảng của Hy vọng được hình thành chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Shinzō Abe tuyên bố cuộc bầu cử đầu năm 2017.
Tỷ lệ cử tri trong các cuộc bầu cử ở Nhật Bản còn thấp, đặc biệt là trong các cử tri trẻ. Cuộc bầu cử năm 2017 đã chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu tăng nhẹ 53,68% nhưng đây vẫn là mức thấp thứ hai ở Nhật Bản sau Chiến tranh.
Hình 1: Mô hình hệ thống chính trị Nhật Bản
1.2. Về đặc trưng chủ yếu của hệ thống chính trị Nhật Bản
+ Hệ thống chính trị Nhật Bản rất khác với các nền dân chủ phương Tây, mặc dù các thể chế thoạt đầu có thể trông tương tự nhau.
Quốc hội có rất ít quyền hành thực sự; theo truyền thống, các phe phái trong Đảng Dân chủ Tự do có tầm quan trọng hơn các đảng chính trị khác; Các cuộc họp Nội các thường là ngắn gọn và chủ yếu là nghi lễ;
Thủ tướng Nhật Bản được coi là có quyền lực yếu hơn so với đối tác của mình trong các nền dân chủ khác và thường tại vị trong thời gian rất ngắn (Thủ tướng Tsutomu Hata chỉ tại vị 3 tháng vào năm 1994).Quyền lực trong xã hội Nhật Bản được sử dụng ít hơn bởi các chính trị gia và nhiều hơn bởi các quan chức và nhà công nghiệp.“Bộ ba quyền lực” này của các chính trị gia, quan chức và doanh nghiệp lớn được biết đến ở Nhật Bản như là “Tam giác sắt”.
Một số nhà quan sát từng cho rằng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 8 năm 2009, dẫn đến một chính phủ của Đảng Dân chủ, đã làm thay đổi về cơ bản mô hình hệ thống chính trị Nhật Bản tồn tại gần nửa thế kỷ, nhưng sự trở lại nắm quyền của Đảng Dân chủ Tự do vào tháng 12 năm 2012 đã đưa hệ thống chính trị Nhật Bản trở lại mô hình lịch sử.
+ Ngay từ khi được trao trả độc lập, đã xuất hiện những động thái quan trọng ở Nhật Bản nhằm sửa đổi hiến pháp, trọng tâm là sửa đổi Điều 9 để trở thành “một quốc gia bình thường", để có thể duy trì và triển khai lực lượng quân sự. Vào năm 2012, LDP đã công bố một dự thảo về hiến pháp mới, nhưng mỗi đảng chính trị lại muốn có những thay đổi khác nhau.Chính vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ còn là quá trình lâu dài. Trong khi đó, nhiều người ở Nhật Bản rất muốn sức mạnh kinh tế của mình được phản ánh trong các cấu trúc chính trị của Liên Hợp Quốc, muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
+ Về hệ thống các đảng phải chính trị, sự thống trị của Đảng Dân chủ Tự do trong hệ thống chính trị của Nhật Bản đã định hình sâu sắc bản chất chính trị ở đất nước này so với các nền dân chủ khác. Vì đảng nắm quyền hầu như không thay đổi nên các cuộc xung đột, thường rất gay gắt, đã xảy ra chủ yếu trong LDP hơn là giữa các đảng chính trị khác.Kết quả là, một hệ thống phe phái rất phức tạp hoạt động trong nội bộ LDP.Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của cả quốc hội Nhật Bản, nhưng thường thể hiện ở Hạ viện nhiều hơn Thượng viện.
Các phe phái trong LDP dựa trên các cá nhân có thế lực, thường là thành viên kỳ cựu của LDP, nhiều người trong số họ là cựu Thủ tướng hoặc là người có khả năng trở thành thủ tướng trong tương lai. Số lượng và quy mô của các phe phái liên tục thay đổi. Mặc dù hầu hết các phe phái đều có chức danh chính thức, nhưng trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản, chúng thường được gọi bằng tên của các nhà lãnh đạo hiện tại của họ, chẳng hạn phái Hashimoto hay phái Nakasone, phái Mori….
+ Một đặc điểm đáng chú ý của chính trị Nhật Bản là ảnh hưởng của các kết nối gia đình. Nhiều thành viên của quốc hội là con hoặc cháu của cựu thành viên quốc hội, thường là thành viên LDP. Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama (鳩山由紀夫/9/2009 – 6/2010 ) đã tiêu biểu hóa truyền thống này: ông nội của ông là Thủ tướng LDP đầu tiên vào năm 1954- 1956, cha ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao LDP, ông thừa kế ghế của cha mình ở Hokkaido năm 1986, và em trai ông là thành viên của một Chính phủ LDP trước đây.
2. Quá trình cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Nhật Bản trong thế kỷ XXI và một số kết quả nổi bật
2.1. Quá trình đổi mới
Có thể thấy ngay sau khi Mỹ chấm dứt chiếm đóng vào năm 1951, Nhật Bản đã rất nỗ lực trong việc đổi mới mô hình tổ chức hệ thống chính trị. Trong năm mươi năm, chính phủ Nhật Bản cùng với người dân đã tái cấu trúc nền kinh tế và xã hội và nâng cao mức sống xã hội. Nền kinh tế Nhật Bản đã chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Thế giới và mọi người được hưởng một mức sống cao.Có thể nói, hệ thống chính trị, nhất là hệ thống hành chính công của Nhật Bản đã hoạt động thành công trong giai đoạn này.Hệ thống này tỏ ra rất phù hợp để thiết lập các mục tiêu hoặc tầm nhìn quốc gia và huy động các nguồn lực công cộng và tư nhân để đạt được những mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, xã hội Nhật Bản đã dần dần thay đổi. Bước sang thế kỷ XXI, các điều kiện xã hội xung quanh và chính phủ Nhật Bản cũng đã thay đổi đáng kể, dẫn đến một thời đại mà họ chưa từng có kinh nghiệm. Các cấu trúc và hệ thống của chính phủ Nhật Bản đã trở nên không phù hợp với những thay đổi này và tỏ ra hoạt động kém hiệu quả. Trên thực tế cũng đã có những điều chỉnh đã được thực hiện, nhưng trái với những nỗ lực to lớn tổ chức lại trong mỗi Bộ trong chính phủ, chưa có động thái cụ thể nào đáng kể trong việc bãi bỏ các quy định và điều chỉnh trên quy mô toàn hệ thống.
Kết quả là, mối quan hệ bên trong một bộ, giữa một bộ với các đối tác thuộc thẩm quyền của nó cũng như các bên liên quan khác đã trở nên mạnh mẽ đến mức hình thành một loại cộng đồng gần gũi có xu hướng cố gắng bảo vệ các lợi ích hiện có mang tính cục bộ. Các hệ thống và thực tiễn quản lý nhân sự dường như đã góp phần củng cố một bức tường vô hình tạo ra ranh giới lãnh thổ cấp bộ. Để đưa ra quyết định về một vấn đề liên quan đến nhiều bộ, cần một thủ tục hành chính tiêu tốn rất nhiều thời gian giữa các bộ kiến cho hiệu quả công việc bị can trở.
Trong khi đó, các hệ thống và tổ chức hỗ trợ cho Nội các và Thủ tướng được coi là yếu kém, khiến các nhà lãnh đạo chính trị gặp khó khăn trong trương hợp cần phủ quyết các đề xuất chính sách được chuẩn bị trong khuôn khổ thẩm quyền của các bộ và cơ quan hiện hành, cũng như việc đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách nào đó.
Càng ngày người ta càng nhận ra rằng cần có những thay đổi và cải cách mạnh mẽ để toàn bộ chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng và Nội các có thể đưa ra các quyết định phối hợp và thực hiện chúng một cách tốt nhất.Sự cần thiết của những thay đổi và cải cách như vậy đã được chỉ ra trong một thời gian dài. Nhưng để phá vỡ các bức tường cấp bộ đòi hỏi phải thuyết phục các bên liên quan và bãi bỏ hoặc sửa đổi luật thành lập hiện hành hoặc ban hành luật thành lập mới, cần nguồn năng lượng chính trị to lớn để vượt qua những trở ngại và khó khăn. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề đụng chạm đến lợi ích nhóm nên một cuộc cải tổ liên bộ đã trở thành một loại điều cấm kỵ chính trị.Rất ít chính trị gia dám thách thức điều cấm kỵ chính trị này, hay coi đó là vấn đề không thể chạm tới được.
Mặc dù vậy vào năm 1998, Thủ tướng Hashimoto Ryūtarō[6], người có khả năng thuyết phục mạnh mẽ và kinh nghiệm phong phú, đã thử thách nhiệm vụ khó khăn này. Tuy nhiên, ông phải từ chức thủ tướng sau hơn 1 năm cầm quyền do kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm của Hạ viện vào tháng 7/1999. Vào tháng 4 năm 1999, Nội các Obuchi Keizo[7] đã đệ trình lên Quốc hội Nhật Bản 17 dự luật về tái cấu trúc và hợp lý hóa các bộ và cơ quan chính phủ trung ương cũng như tăng cường các chức năng của Nội các và vai trò lãnh đạo của Thủ tướng. Theo dự luật, cơ cấu chính quyền trung ương lúc đó, bao gồm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và 22 tổ chức cấp bộ trưởng trong Nội các, sẽ được đổi thành Văn phòng Nội các và 12 tổ chức cấp Bộ trưởng. Quốc hội đã thông qua các đề xuất của Nội các.Cấu trúc chính phủ mới được lên kế hoạch bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 2001, đầu thế kỷ mới.Một sự tái cấu trúc chính quyền trung ương mạnh mẽ như vậy chưa từng xảy ra ở Nhật Bản.
2.2. Một số kết quả nổi bật
2.2.1. Tăng cường sự lãnh đạo chính trị trong mọi tổ chức cấp Bộ
Một, hai hoặc ba thứ trưởng chính trị[8] sẽ được bổ nhiệm vào Văn phòng Nội các và vào mỗi Bộ. Họ phải được định vị giữa bộ trưởng và thứ trưởng hành chính[9].Mỗi thứ trưởng sẽ hoạt động cho Bộ trưởng và chịu trách nhiệm đáng kể trong bộ.Ngoài ra, hệ thống trợ lý chính trị cho Bộ trưởng cũng sẽ được giới thiệu.Các trợ lý chính trị sẽ được chỉ định trong mọi tổ chức cấp bộ để tham gia hoạch định và hoạch định chính sách cụ thể và cũng để giải quyết các vấn đề chính trị.Theo các hệ thống này, sự lãnh đạo chính trị trong mỗi bộ sẽ được tăng cường.
2.2.2. Củng cố chức năng Nội các và vai trò lãnh đạo của Thủ tướng
Ngoại trừ Thủ tướng, số lượng Bộ trưởng sẽ giảm từ tối đa 20 xuống còn từ 14 đến 17. Nội các được vận hành linh hoạt hơn, có các Bộ trưởng có trách nhiệm đặc biệt sẽ được quyết định cụ thể theo nhu cầu của thực tiễn từng thời kỳ.
Để đảm bảo sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn của Thủ tướng và Nội các, Ban Thư ký Nội các sẽ được trao quyền không chỉ phối hợp mà còn bắt đầu hoạch định chính sách cơ bản. Văn phòng Nội các với hàng trăm nhân viên trong trụ sở chính sẽ được thành lập để hỗ trợ Thủ tướng và Nội các.Hội đồng tư vấn về các chính sách kinh tế và tài khóa, về các chính sách khoa học và công nghệ, v.v ... sẽ được thành lập. Thủ tướng dự kiến sẽ bổ nhiệm các nhân viên hỗ trợ của mình một cách tự do hơn theo sáng kiến của chính mình không chỉ từ bên trong Chính phủ mà còn từ bên ngoài chính phủ.
2.2.3. Tái cơ cấu quyết liệt các bộ và cơ quan
Theo luật được thông qua, 23 tổ chức cấp bộ được cơ cấu lại thành một văn phòng (Văn phòng Nội các) và 12 tổ chức cấp bộ.
Mục tiêu cơ bản của việc sắp xếp lại này là phá vỡ các bức tường ngăn cách giữa các bộ và cơ quan hiện có; hợp nhất các chức năng tương tự hoặc tương tự nhau để các chức năng liên quan này có thể được phối hợp nhanh nhất có thể trong một bộ có thẩm quyền rộng hơ; sự trung lặp, tương tự từ các chương trình có thể được giảm càng nhiều càng tốt. Bộ Y tế và Phúc lợi và Bộ Lao động được sáp nhập làm một.Cơ quan Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục với nhiều trường đại học quốc gia và các viện nghiên cứu trực thuộc của họ sẽ được sáp nhập làm một. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Cơ quan Đất đai Quốc gia và Cơ quan Phát triển Hokkaido được sáp nhập. Tổ chức bảo vệ môi trường được nâng từ Cơ quan lên Bộ.
2.2.4. Tinh giản và hợp lý hóa các tổ chức và hoạt động của chính phủ
a) Doanh nghiệp do chính phủ điều hành: Dịch vụ bưu chính sẽ được tách ra để trở thành một cơ quan bên ngoài bán độc lập của Bộ Tổng hợp. Năm 2007, sẽ được chuyển đổi thành Tổng công ty Dịch vụ bưu chính (日本郵政公社).Cục In ấn (国立印刷局) và Sở in tiền (造幣局) của Bộ Tài chính được chuyển đổi thành các tập đoàn hành chính độc lập.Dịch vụ lâm nghiệp quốc gia sẽ được sắp xếp hợp lý, mặc dù nó sẽ vẫn là một cơ quan bên ngoài của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản.
b) Pháp nhân hành chính độc lập (独立行政法人): Các pháp nhân hành chính độc lập được tạo ra kể từ năm 2015. Chúng có tư cách pháp lý độc lập bên ngoài Bộ hoặc các Cục. Chính phủ sẽ chuyển giao thực thi chính sách và các chức năng khác của các bộ và cơ quan cho tổ chức loại hình pháp nhân mới này. Pháp nhân hành chính độc lập đảm bảo việc quản lý linh hoạt hơn.Giám đốc điều hành hoặc nhân viên quản lý có thể được tuyển dụng từ bên ngoài chính phủ và việc quản lý hoạt động hàng ngày được giao cho chính các pháp nhân. Mục đích chính của hệ thống này là tách biệt các chức năng hoạch định chính sách và chức năng thực thi chính sách; nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ cho người dân bằng cách trao thêm quyền tự chủ và trách nhiệm cho một pháp nhân và cũng để đảm bảo tính minh bạch của sự hoạt động.
c) Giảm các tổ chức của các tổ chức cấp bộ: Các tổ chức nội bộ của các tổ chức cấp bộ sẽ được giảm xuống để hợp lý hóa các tổ chức cũng như để đảm bảo sự phối hợp chính sách rộng hơn. Các đơn vị cấp Cục bị giảm từ 128 xuống 96. Các đơn vị cấp Phòng ban bị cắt giảm từ 1200 xuống 1000.
d) Giảm nhân viên toàn thời gian: Chính phủ lập kế hoạch giảm lực lượng giảm ít nhất 10% nhân viên toàn thời gian của các bộ và cơ quan trong thời gian mười năm bắt đầu từ tháng 1 năm 2001. Chính phủ cũng giảm nhân sự bằng cách tạo ra các pháp nhân hành chính độc lập và những cách khác, sao cho số lượng nhân viên giảm 25% trong mười năm.Chính phủ về cơ bản sẽ xem xét các chức năng và chương trình hiện tại của mình để thực hiện việc giảm quy mô lớn như vậy.
e) Bãi bỏ quy định và cải cách hành chính bao cấp và công trình công cộng: Việc bãi bỏ quy định và cải cách quy định, và cải cách quản lý công trình công cộng bao cấp sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để hợp lý hóa các hoạt động của chính quyền trung ương, xây dựng một thị trường tự do và minh bạch hơn, để thúc đẩy phân cấp và đảm bảo ra quyết định hiệu quả và minh bạch hơn.
Ngoài những kết quả nêu trên, để có được những kết quả mong đợi, cải cách hệ thống và thực hành công vụ là không thể thiếu. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thiết lập một hệ thống quản lý nhân sự của chính phủ cho phép những người có trình độ, năng lực tốt được đưa vào Ban Thư ký Nội các, Văn phòng Nội các và Bộ. Hệ thống tuyển dụng và thăng tiến sẽ được cải thiện. Ngoài ra, việc trao đổi nhân sự giữa các bộ sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
3. Một số kinh nghiệm rút ra từ sự nghiên cứu quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị ở Nhật Bản
(1) Việc hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả phải là công việc được đặt ra thường xuyên vì mỗi một thời kỳ, mỗi hoàn cảnh cụ thể của tình hình trong nước và quốc tế đặt ra cho hệ thống chính trị những đòi hỏi khác nhau. Kể từ Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản liên tục tiến hành cải cách (nhất là cải cách bộ máy hành chính) nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, ít nhất là có 4 giai đoạn lớn. Giai đoạn cải cách từ năm 1999 đến nay là mạnh mẽ, căn bản nhất.
(2) Đảng chính trị cầm quyền trong thời gian dài tất dễ nảy sinh chủ nghĩa bè phái. Điều này làm cản trở việc thực hiện các chính sách của đảng cầm quyền và cản trở sự vận hành của bộ máy của hệ thống chính trị. Do vậy, cần phải có biện pháp ngăn chặn sự này sinh và tác động của chủ nghĩa bè phái trong đảng cầm quyền.
(3) Các Bộ trong Chính phủ đều có xu hướng bảo vệ quyền lợi của mình theo kiểu lợi ích phe nhóm. Điều này dẫn tới việc hình thành những “bức tường” vô hình trong quá trình vận hành, cảm trở tốc độ và suy giảm sức mạnh của chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cải cách bộ máy của hệ thống chính trị chỉ thực sự có hiệu quả khi được tiến hành trên quy mô toàn hệ thống chứ không chỉ tiến hành cục bộ ở một bộ phận nào đó.
(4) Sự kết nối của tam giác quyền lực (nhà chính trị, các quan chức, các doanh nghiệp), sự chi phối của các công ty, tập đoàn kinh tế “”sân sau”” sẽ trở thành yếu tố thao túng sự vận hành của bộ máy của hệ thống chính trị và ngăn cản mọi quá trình cải cách tiến bộ nhằm hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị. Chính vì vậy, cần phải có cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xóa bỏ sự liên kết, liên minh “ma quỷ” đó.
(5) Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, việc bãi bỏ hoặc hợp nhất các tổ chức cấp bộ là công việc rất khó khăn, trong khi thiết lập các bộ / ngành mới là một hiện tượng phổ biến và dễ thuyết phục hơn. Trong cuộc cải cách gần đây nhất, Nhật Bản đã tinh giản các cơ quan chính phủ trên quy mô lớn, riêng 23 tổ chức cấp Bộ sẽ được cơ cấu lại thành 13 tổ chức. Thực tế này chỉ cho thấy cần phải có ý chí quyết tâm và sự kiên định trong quá trình cải cách, đổi mới, tinh gọn bộ máy của chính phủ./.
PGS. TS. Phạm Hồng Thái,
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
[1] Điều 1, Hiến pháp Nhật Bản.
[2] Điều 4 Hiến pháp Nhật Bản.
[3] Con số này có khác biệt theo từng thời kỳ: năm 1947 là 466 ghế, năm cao nhất là 512 ghế (1986).
[4] Chế độ Khu vực bầu cử nhỏ là chế độ theo đó, tại mỗi khu vực, cử tri chỉ được bầu đích danh 1 đại biểu.
[5] Khu vực bầu cử theo tỉ lệ là chế độ bầu cử theo đó, tại mỗi khu vực, cử tri bỏ phiếu cho đảng phái chính trị,
số lượng bầu cử phụ thuộc vào bầu Hạ viện hay Thượng viện.
[8]Thứ trưởng chính trị là người giúp việc Bộ trưởng, tham gia lập chính sách và lên chương trình, kế hoạch.
Chỉ đạo các vấn đề chính trị, thừa lệnh bộ trưởng thực hiện các chức năng Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt.
[9] Thứ trưởng hành chính giúp Bộ trưởng duy trì công việc của Bộ, giám sát công việc các Vụ, Phòng, các cơ quan dưới quyền, các chi nhánh ở địa phương.