Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Hong Kong (Trung Quốc) điều chỉnh chính sách “thu hút tài năng” để cạnh tranh với Singapore

Ngày phát hành: 21/10/2022 Lượt xem 601


Theo Báo Liên hợp buổi sáng, ngày 19/10, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu đã công bố báo cáo chính sách điều hành đầu tiên sau hơn 3 tháng nhậm chức. Ông Lý Gia Siêu đã trình bày báo cáo trước Hội đồng lập pháp 2 tiếng 40 phút, trong đó nội dung nhận được sự quan tâm nhất của các giới bên ngoài là chính sách “thu hút nhân tài”. Theo đó, các biện pháp thu hút nhân tài cụ thể của chính quyền Hong Kong như sau:

Thứ nhất, thực hiện rộng rãi “Chương trình giấy thông hành tài năng cao cấp" thời hạn 2 năm. Các nhân tài đủ tiêu chuẩn bao gồm những người có mức lương từ 2,5 triệu HKD/năm (315.000 USD) trở lên trong một năm trở lại đây, cũng như những người tốt nghiệp ở 100 trường đại học hàng đầu thế giới và tích lũy kinh nghiệm làm việc 3 năm trở lên trong 5 năm qua. Hai loại đối tượng này có thể được cấp giấy thông hành có thời hạn 2 năm để đến Hong Kong phát triển, không hạn chế số lượng. Sinh viên tốt nghiệp ở 100 trường đại học hàng đầu thế giới trong 5 năm gần đây nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm làm việc cũng có thể được cấp giấy thông hành, mỗi năm hạn chế ở mức 10.000 người.    

Thứ hai, hủy bỏ hạn mức hàng năm của “Chương trình nhập cảnh tài năng ưu tú”, thời gian là 2 năm, đồng thời cải thiện trình tự thủ tục xét duyệt. 

Thứ ba, nới lỏng quy định “sinh viên tốt nghiệp không phải người bản địa ở lại Hong Kong hoặc đến Hong Kong làm việc”, kéo dài thời gian lưu trú từ 1 năm lên 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ở lại Hong Kong hoặc đến Hong Kong làm việc. Ngoài ra, thí điểm mở rộng hình thức này sang các sinh viên tốt nghiệp Đại học Hong Kong và các trường trong Vùng vịnh lớn, thời gian 2 năm. 

Thứ tư, cải thiện “Chương trình nhập cảnh tài năng khoa học công nghệ”, xóa bỏ quy định các công ty công nghệ phải tăng cường tuyển dụng nhân viên bản địa khi tuyển dụng tài năng nước ngoài theo chương trình.

Thứ năm, kéo dài thời hạn thị thực làm việc, những tài năng theo chương trình tuyển dụng tài năng hiện có và mới bổ sung có thể được cấp thị thực làm việc lên đến 3 năm sau khi được tuyển dụng đến Hong Kong làm việc.   

Thứ sáu, hoàn thuế tem bổ sung mua tài sản ở Hong Kong cho những tài năng nước ngoài đủ tiêu chuẩn. Kể từ thời điểm này, các tài năng nước ngoài đủ tiêu chuẩn mua tài sản ở Hong Kong có thể xin hoàn thuế tem mà người mua đã nộp đối với bất động sản đầu tiên đã mua và vẫn còn nắm giữ, cũng như thuế tem nhà mới sau khi sống ở Hong Kong đủ 7 năm và trở thành thường trú nhân của Hong Kong.  

Thứ bảy, cho phép thêm nhiều du khách hơn đến Hong Kong tham gia các hoạt động ngắn ngày không cần phải xin thị thực làm việc, nghiên cứu thêm nhiều loại đối tượng bên cạnh những đối tượng được chỉ định hiện nay như tài năng khoa học công nghệ, vận động viên chuyên nghiệp… 

Thứ tám, “Cửa sổ dịch vụ nhân tài” sắp thành lập sẽ cung cấp dịch vụ một cửa, phối hợp với Cơ quan di trú xử lý đơn của chương trình tuyển dụng tài năng, đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ, cũng như ban hành cam kết dịch vụ để nâng cao hiệu quả xét duyệt. 

Thứ chín, chính quyền Hong Kong sẽ mở rộng chức năng của Văn phòng các vấn đề Trung Quốc Đại lục, Văn phòng Kinh tế và thương mại, 17 văn phòng sẽ thành lập “nhóm chuyên trách thu hút đầu tư và tài năng”, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp và tài năng mục tiêu, liên hệ với 100 trường đại học hàng đầu thế giới, thúc đẩy thực hiện rộng rãi các chương trình. Các nhóm chuyên trách sẽ tăng cường kết nối với những người Hong Kong đang du học hoặc làm việc ở Trung Quốc đại lục và nước ngoài, khuyến khích họ trở về Hong Kong phát triển.   

Từ các nội dung trên có thể thấy rằng, trọng điểm chính là Chính quyền Hong Kong đưa ra cam kết đối với những tài năng đủ tiêu chuẩn: sống ở Hong Kong đủ 7 năm, trở thành thường trú nhân (PR) sẽ được hoàn thuế tem bổ sung tài sản; Nới lỏng quy định thị thực, không chịu bất cứ hạn chế hạn ngạch nào. Chính quyền Hong Kong cũng nêu rõ, do dân số trong độ tuổi lao động của Hong Kong mất khoảng 140.000 người trong hai năm qua, nên bên cạnh việc tích cực đào tạo và giữ lại tài năng bản địa, Chính quyền Hong Kong cũng sẽ nỗ lực thu hút thêm nhiều tài năng nước ngoài hơn. 

Do Hong Kong "chảy máu chất xám" nghiêm trọng, nên hiện nay cần phải “giành giật” nhân tài.

Bên cạnh yếu tố chính trị, dịch COVID-19 cũng là lý do khiến nhân tài Hong Kong bỏ ra nước ngoài. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Hong Kong bám chặt phương châm phòng dịch của Bắc Kinh, thực hiện một loạt biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm cơ chế “ngắt mạch” các chuyến bay, thời gian cách ly bắt buộc tại khách sạn kéo dài 21 ngày, bắt buộc đeo khẩu trang, cũng như yêu cầu xét nghiệm axit nucleic nhiều lần đối với người nhập cảnh.   

Mặc dù chính quyền Hong Kong luôn nhấn mạnh các biện pháp nói trên là xuất phát từ sức khỏe của nhân dân, nhưng đối với các chuyên gia trong ngành tài chính thường xuyên phải ra nước ngoài, điều này khó tránh khỏi việc hình thành những trở ngại trong sinh hoạt và công việc. Một số người cũng do đó đã lựa chọn phương án rời Hong Kong, đặt chân đến các nước và khu vực có chính sách phòng chống dịch bệnh tương đối thông thoáng.  

“Báo cáo quý về khảo sát thống kê hộ gia đình tổng hợp” của Cơ quan thống kê chính quyền Hong Kong cho thấy, quý II/2020, số người làm việc trong ngành tài chính là 214.200 người, đến quý II/2022 giảm xuống còn 204.500 người; số người làm việc trong ngành thông tin và truyền thông quý II/2022 là 137.800 người, đến quý II/2022 giảm mạnh xuống còn 127.000 người.

Trong bối cảnh đó, cựu Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thừa nhận vào tháng Ba năm nay rằng, do chính quyền Hong Kong áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, tình trạng chảy máu tài năng và đội ngũ quản lý cao cấp rời khỏi Hong Kong là “thực tế không thể chối cãi”.

Khi truyền thông đặt câu hỏi liệu có lo lắng những người này lựa chọn chuyển đến Singapore hay không, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời rằng trong lĩnh vực tài chính, bà chưa nhìn thấy một nền kinh tế khác hoặc một thành phố khác nào có sự ủng hộ từ Trung Quốc như Hong Kong, sự liên kết liên thông của thị trường vốn, từ “kết nối Thượng Hải-Hong Kong” đến “kết nối Thâm Quyến-Hong Kong”, “kết nối trái phiếu”, “kết nối quản lý tài sản”, bà không nhìn thấy một nền kinh tế nào khác có được lợi thế này.   

Nói cách khác, dưới sự hỗ trợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Hong Kong sẽ không lung lay, và sự ưu đãi đến từ Trung Quốc này chỉ giới hạn ở Hong Kong. Phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trùng khớp với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yong-Boon Yeo.

Cho dù như vậy, trong mắt của một số người bên ngoài, địa vị đầu mối khu vực của Hong Kong đã bị ảnh hưởng không ít trong thời gian gần đây, trong đó, ví dụ điển hình nhất là chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu được công bố cách đây không lâu. Chỉ số cho thấy, Singapore vượt qua Hong Kong trở thành trung tâm tài chính lớn thứ ba toàn cầu, New York và London vẫn chiếm hai vị trí đầu tiên, Hong Kong rơi xuống vị trí thứ tư. Đây cũng là lần đầu tiên Singapore vượt qua Hong Kong về chỉ số này.  

Ngoài ra, Hong Kong và Singapore sẽ lần lượt tổ chức các hoạt động giao lưu công nghệ tài chính mang tính chất quốc tế trong những tuần sắp tới, “tuần công nghệ tài chính” của Hong Kong năm nay diễn ra từ 31/10 đến 4/11, trong khi đó “lễ hội công nghệ tài chính” của Singapore sẽ diễn ra từ ngày 2-04/11. Một số dư luận của Hong Kong quan ngại Hong Kong sẽ bị Singapore “cướp khách”.

Chương trình thị thực làm việc 5 năm dành cho người nước ngoài có thu nhập ít nhất 30.000 SGD/tháng (21.000 USD) được Singapore công bố vào cuối tháng Tám cũng bị một số dư luận và phương tiện truyền thông Hong Kong chỉ trích là muốn “giành giật tài năng” với Hong Kong.   

Do đó, sau khi ông Lý Gia Siêu công bố một số biện pháp thu hút tài năng thì đã có một số bình luận cũng như phương tiện truyền thông cho rằng đây là đòn “trả đũa” của Chính quyền Hong Kong trước sự cạnh tranh của Singapore, trong đó Bloomberg đăng bài viết với tiêu đề “Thị thực mới cho nhân tài của Hong Kong so với Singapore như thế nào”.

Bài viết dẫn lời Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành công ty PHASE Scientific Chiêu Ngạn Đào cho rằng, chính sách mới của Hong Kong tốt hơn chính sách tài năng của Singapore vì có sự linh hoạt hơn. Nếu Hong Kong muốn thực sự chiến thắng trong cuộc chiến giành nhân tài này, thì cần phải có một chính sách ưu đãi hơn so với đối thủ cạnh tranh. Liệu điều này có thể giúp đảo ngược tình trạng chảy máu tài năng của Hong Kong hay không, cần phải theo dõi trong một thời gian.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, ước tính Hong Kong vẫn sẽ thu hút một lượng người Trung Quốc “hồi hương” đến Hong Kong làm việc và sinh sống. Ngày 14/10, tờ Minh báo có bài bình luận nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Trung chuyển biến tiêu cực trong những năm gần đây, xu hướng các học sinh ưu tú của Trung Quốc đến Mỹ du học đã có sự thay đổi, một bộ phận chuyên gia Trung Quốc làm việc ở Mỹ cũng có ý định rời đi và quay về, Hong Kong có thể đặt trọng điểm vào việc thu hút những đối tượng “hồi hương” và sinh viên ưu tú này.     

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Minh báo, ông George Yong-Boon Yeo nói rằng: “Mặc dù Hong Kong không còn là đô thị quốc tế như trước kia, nhưng đây sẽ là đô thị quốc tế của Trung Quốc”. Nếu thực sự như vậy, liệu đây có phải là điều mà chính quyền Hong Kong hoặc Bắc Kinh muốn thấy hay không?./.


Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết