Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Ngày phát hành: 13/05/2022 Lượt xem 2026

Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

1. Sự hình thành và phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam

Sự hình thành và phát triển khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình sáng lập và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ khi thành lập Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, khoa học lý luận chính trị được phát triển từng bước trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, có vai trò đặc biệt quan trọng không những trong cung cấp cơ sở lý luận khoa học để xác định và hoàn thiện đường lối của Đảng, mà còn củng cố, nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, giúp cho đảng viên và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng và tích cực tham gia vào thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, nhờ đó đã có đóng góp vô cùng to lớn vào thành công của cuộc đấu tranh giành chính quyền, thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của dân tộc.

Trên cơ sở phát triển của khoa học lý luận chính trị sau Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào xây dựng đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ thành công nền độc lập dân tộc và từng bước phát triển đất nước. Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, sự phát triển của khoa học lý luận chính trị không những góp phần bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng điều kiện lịch sử cụ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khoa học lý luận chính trị có bước phát triển mới, có đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện đường lối đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở ra bước ngoặt sâu sắc trong đổi mới và phát triển tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.  Trên cơ sở phân tích đánh giá những khuyết điển và sai lầm chủ yếu về nhận thức lý luận và hoạch định, thực thi chính sách phát triển thời kỳ trước đổi mới, Đảng đã xác định chuẩn xác “nhiệm vụ chủ yếu của chặng đường đầu tiên là xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn”[1], chủ thể để thực hiện nhiệm vụ đó thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế khác[2] trong cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế[3].

Đại hội VII đã kiên định “phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới… Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội[4], theo đó Bộ Chính trị khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 18-3-1992 “về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, đánh dấu một bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò của công tác lý luận và trong tổ chức nghiên cứu lý luận phục vụ sự phát triển đất nước.

 Đại hội VIII khẳng định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[5]. Kể từ Đại hội IX Đảng ta chính thức xác định rõ mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa[6]. Đại hội XI xác định “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[7].

Trong suốt thời kỳ đổi mới, để thúc đẩy sự phát triển của khoa học lý luận chính trị phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, đã có nhiều chương trình nghiên cứu lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn được triển khai. Trong giai đoạn 1991-1995 có 10 chương trình khoa học lý luận chính trị với 155 đề tài; giai đoạn 1996-2000 có 7 chương trình với 56 đề tài, 13 chuyên đề; giai đoạn 2001-2006 có 5 chương trình với 91 đề tài; giai đoạn 2006-2010 có 10 chương trình với 91 đề tài; giai đoạn 2011-2016 có 4 chương trình với hơn 100 đề tài; giai đoạn 2016-2021 với 3 chương trình với hơn 100 đề tài... Những cuộc tổng kết lý luận thực tiễn trên quy mô cả nước đã được thực hiện bao gồm: Tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006); Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991-2011); Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 (1992-2012); Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016); Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 (2011-2021), v.v...[8]  Nhờ đó, khoa học lý luận chính trị ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu.

 

 

2. Thành tựu và hạn chế chủ yếu của khoa học lý luận chính trị trong thời kỳ đổi mới

Đánh giá thành tựu to lớn của khoa học lý luận chính trị ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”[9].

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc”[10].  Trong thời kỳ đổi mới, “Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển”[11]; “Mười năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã tạo những bước tiến quan trọng cả về nhận thức lý luận và tổ chức thực hiện”[12].

Những đóng góp cơ bản của khoa học lý luận chính trị vào nâng cao nhận thức lý luận của toàn Đảng toàn dân phản ánh:Mục tiêu, đặc trưng, những phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được bổ sung, cụ thể hóa, phát triển với những nhận thức quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam”[13]

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu vô cùng to lớn, khoa học lý luận chính trị ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Nhận thức một số vấn đề về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa sâu sắc, thống nhất, nhất là quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập,... Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái đạo đức, lối sống và vi phạm đạo đức công vụ. Chưa thống nhất trong nhận thức và hành động về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”[14].

Những hạn chế đó không những làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiệu quả của đất nước, mà còn cản trở việc bảo vệ, củng cố, bổ sung phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”[15]

Những hạn chế kể trên có nhiều nguyên nhân như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: Sự phát triển của khoa học lý luận chính trị chưa gắn kết chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên, khoa học - công nghệ và khoa học xã hội - nhân văn để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước[16]; “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ” [17]… Từ đó, đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

 

3. Định hướng của Đại hội XIII của Đảng về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong giai đoạn tới

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đúc rút bài học kinh nghiệm quan trọng là phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển khoa học lý luận chính trị thời gian tới[18]. Việc lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm bộ phận cấu thành quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng là thực hiện những lời dạy vô cùng quý giá của Hồ Chủ Tịch. Bác khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[19].

Trong bối cảnh mới của thế giới và đất nước, Đại hội XIII nhận định: “Công cuộc đổi mới tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là việc nhận thức, giải quyết đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn”[20]. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi phải tiếp tục “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[21].

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam…phương châm của Đảng là: Lý luận Mác - Lênin thống nhất với thực tiễn cách mạng Việt Nam”[22]. Bác nhấn mạnh, “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”[23], do đó, “Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc”[24]. Từ đó “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”[25].

 

 

Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng” và “chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”[26]. Do đó, “trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng, cần chú trọng hơn đến: bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”[27].

Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy cho nên trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[28].

Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra những định hướng chủ yếu của phát triển khoa học lý luận trong giai đoạn tới là phải tiếp tục “nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Củng cố các cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu các vấn đề lý luận khó, phức tạp phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài; những vấn đề chưa rõ về cơ sở lý luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau, mạnh dạn cho thí điểm, tổng kết kịp thời để có kết luận nhằm thống nhất về mặt nhận thức; tạo cơ chế, môi trường thuận lợi và bố trí nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu lý luận. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận; đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ các chuyên gia đầu ngành”[29].

Trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cần chú trọng phát triển đồng bộ với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn[30]. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam[31]. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách. Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành[32].

 

PGS.TS Đoàn Xuân Thủy

Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự Thật, tr.42.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự Thật, tr.44.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb Sự Thật, tr.63.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Nxb Sự Thật, tr.52-55.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Sự Thật, tr.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb CTQG, tr.188-201.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb CTQG, tr.71.

[8] Nguyễn Viết Thông (2020), Công tác nghiên cứu lý luận chính trị trong tình hình hiện nay, http://hdll.vn

[9] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.25-26

[10] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.64

[11] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.74

[12] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.99

[13] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.99

[14] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 2, tr.78

[15] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.91

[16] Xem: Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.84

[17] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.90-91

[18] Xem: Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.95

[19] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 2, tr.289

[20] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.103

[21] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.109

[22] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 6, tr.368

[23] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 7, tr.120

[24] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 7, tr.29

[25] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 11, tr.92

[26] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 11, tr.92

[27] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.119-120

[28] Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb CTQG, H., 2011, tập 11, tr.95

[29] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 2, tr.234-235

[30] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.140

[31] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.181-182

[32] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTGQ, H., 2021, tập 1, tr.182.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết