Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới

Ngày phát hành: 18/05/2022 Lượt xem 1374

Ảnh tư liệu minh hoạ 

 

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng bao hàm những triết lý sâu xa, có nội dung toàn diện, hệ thống mang giá trị định hướng sâu sắc đối với công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, tự hào, cũng là nhiệm vụ hằng ngày của mỗi cán bộ, Đảng viên và của mỗi người dân Việt Nam.


 Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
       Quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh bao quát những mối quan hệ cơ bản của con người trong xã hội, mà trước hết là với đất nước, với nhân dân - "Trung với nước, hiếu với dân". Đây chính là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng. Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh. Hiếu với dân tức là mọi cán bộ phải là "đầy tớ trung thành của dân", "bao nhiêu quyền hạn đều của dân", "bao nhiêu lợi ích đều vì dân"; gắn bó với dân, gần dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của người làm chủ đất nước.
          Thứ hai trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đối với con người, hay nói chính xác chính là ''yêu thương con người". Yêu thương con người là làm mọi việc vì con người; dám hy sinh, dám dấn thân để đấu tranh giải phóng con người. Yêu thương con người tin vào con người. Với mình thì nghiêm khắc; với người thì độ lượng, vị tha, kể cả với người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn.
          Tiếp theo là đối với mình phải thực sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của con người, mang một lẽ tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
          Đối với toàn nhân loại, người cách mạng phải có ''tinh thần quốc tế trong sáng''. Đoàn kết quốc tế trong sáng theo Hồ Chí Minh trước hết là đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung: đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột; là đoàn kết với các dân tộc vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất, tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, là cả đời phấn đấu hy sinh, tất cả vì dân, vì nước, vì hạnh phúc con người. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn đều thể hiện phẩm chất cao đẹp của người cách mạng.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân.
          Về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành triệt để tất cả những gì Người quan niệm, thậm chí Người còn làm nhiều hơn những gì Người nói. Người là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm trong ăn, mặc, ở, đi lại... Giữ mình liêm khiết, trong sạch, Hồ Chí Minh sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. Người biết nâng con người lên, khuyến khích, động viên để con người thấy rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức có quyền, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào cán cân công lý của luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ…
          Đã có hàng nghìn trang sách, hàng nghìn câu chuyện cảm động về cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tên gọi Hồ Chí Minh đã trở thành một hình mẫu về đạo đức. Đạo đức ấy không chỉ tỏa sáng trong lòng nhân dân Việt Nam mà còn được thế giới ca ngợi bằng những lời đẹp đẽ và cao quý - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đồng chí Phiđen Caxtơrô từng viết: Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và cao cả nhất... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt…

 Không ngừng đẩy mạnh học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Chỉ thị số 05), gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Qua đó, phong trào đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội, đưa đến những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo cơ sở, nền tảng quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII còn bộc lộ những hạn chế, như công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, nhất là việc thực hiện quy định nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng. Công tác tuyên truyền chưa chú trọng triển khai sâu rộng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn bị động, tính chiến đấu chưa cao. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ, nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ... Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05 thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác theo Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để làm tốt điều này, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa “học tập” với “làm theo” Bác trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của cán bộ, đảng viên; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện…
Không ngừng học tập, rèn luyện theo Bác kính yêu đã, đang và luôn là tiêu chí, thước đo, phương châm hành động và biện pháp công tác của các cán bộ, đảng viên, được coi là động lực, cội nguồn sức mạnh để toàn Đảng nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới./.
                       

An Ngọc (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết